Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ


NHS Lữ Thị Trúc Mai
Bệnh viện Hùng Vương
 
            Sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ trong hai năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn, phát triển toàn diện của trẻ về sau.
Lợi ích cho trẻ
Đầu tiên, hãy khảo sát thành phần các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ để thấy vì sao sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho trẻ.
            Tất cả các loại sữa đều chứa chất béo; chất béo này cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể trẻ và động vật. Trong sữa mẹ có chứa những acid béo cần thiết và những acid béo này không hề hiện diện trong sữa bò. Những acid béo này rất cần cho sự phát triển của não, mắt và sự vững bền của các mạch máu. Men lipase trong sữa mẹ giúp cho việc tiêu hóa chất béo được hoàn thiện hơn so với việc tiêu hóa chất béo trong sữa bò. Phân của trẻ bú mẹ thường mềm, một số trẻ bú mẹ có thể không đi cầu nhiều ngày nhưng điều đó hoàn toàn bình thường.
Sữa động vật có nhiều protein hơn sữa mẹ và chúng không thích hợp cho hai thận còn non nớt của trẻ. Protein trong sữa bò vón cục đặc hơn nên sữa bò khó tiêu hơn so với sữa mẹ; tính không dung nạp với protein trong sữa bò có thể làm trẻ bị tiêu chảy hoặc mắc các bệnh dị ứng khác. Trong sữa mẹ còn có protein kháng khuẩn do đó, bú mẹ giúp cho trẻ có kháng thể chống lại sự nhiễm khuẩn trong những tháng đầu đời khi mà cơ thể trẻ chưa tự tạo ra kháng thể.
Sữa mẹ chứa các vitamin quan trọng nhiều hơn sữa bò, đặc biệt là vitamin A và vitamin C. Nếu bà mẹ được cung cấp đủ vitamin A trong thức ăn thì lượng vitamin A chứa trong sữa mẹ có thể cung cấp đủ cho trẻ cả đến năm thứ hai của cuộc đời. Vitamin A có thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh khô mắt.
Sắt đóng vai trò quan trọng để phòng chống thiếu máu, mỗi lượng sữa khác nhau đều chứa một lượng sắt rất nhỏ (khoảng 0.5 – 0.7mg/l) nhưng có một sự khác biệt quan trọng. Chỉ khoảng 10% sắt trong sữa bò được hấp thu nhưng có khoảng 50% sắt được hấp thu từ sữa mẹ; những đứa trẻ được nuôi từ sữa bò có thể không nhận đủ sắt và thường bị thiếu máu; trẻ được bú mẹ hoàn toàn thì nhận đủ sắt và được bảo vệ chống lại bệnh thiếu máu do thiếu sắt ít nhất đến sáu tháng tuổi.
Sữa mẹ không chỉ là thức ăn cho trẻ. Trong năm đầu tiên, hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ và không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Trong sữa mẹ có chứa những kháng thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn mà trước đây họ đã mắc. Trong sữa bò không hề có sự hiện diện của kháng thể.
Các thành phần trong sữa mẹ thường không giống nhau; nó thay đổi theo tuổi của trẻ và thay đổi trong suốt một cử bú.
Sữa non có từ các ngày đầu sau sinh, sữa non có lượng ít, đặc và sáng màu. Sau vài ngày, sữa non chuyển thành sữa chuyển tiếp, lượng sữa nhiều hơn. Sữa đầu  có màu hơi xanh được sản xuất vào đầu bữa bú, sữa cuối có màu trắng hơn được sản xuất vào cuối bữa bú. Sữa cuối chứa nhiều chất béo, cung cấp nhiều năng lượng và hàm lượng chất béo tăng dần vào cuối bữa bú. Sữa đầu được sản xuất với một lượng lớn, cung cấp nhiều protein, lactose và các chất dinh dưỡng khác và bởi vì trẻ bú một lượng lớn sữa đầu nên trẻ đã nhận được một lượng lớn nước, do đó khi bú mẹ trẻ không cần phải cho trẻ uống thêm nước.
Sữa non tuy ít nhưng rất quan trọng. Sữa non cung cấp cho trẻ nhiều kháng thể và các protein kháng khuẩn giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng - đây chính là những nguy cơ đối với trẻ sơ sinh - như tiêu chảy nhiễm trùng, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp
Sữa non dễ tiêu hóa giúp trẻ phòng chống các bệnh dị ứng tiến triển và bất dung nạp với các loại thức ăn khác. Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, giúp tống phân su đồng thời giàu vitamin A hơn sữa chuyển tiếp. Sữa non tuy ít nhưng nhiều năng lượng, nói tóm lại sữa non là tất cả những gì trẻ cần trong những giờ đầu sau sanh.
Lợi ích cho mẹ
            Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giữa mẹ và trẻ hình thành mối quan hệ gần gũi yêu thương, trẻ khóc ít hơn và có thể phát triển tốt hơn. Sự tiếp xúc sớm của trẻ với bà mẹ sẽ mang đến cho bà mẹ những giây phút đầu tiên hạnh phúc nhất đồng thời tình cảm mẹ con gắn bó sẽ tác động rất tốt đến việc giáo dục trẻ sau này.
Khi đứa trẻ nút vú, xung động cảm giác đi từ núm vú lên não tác động lên thùy trước tuyến yên ở não giúp bài tiết prolactin. Prolactin đi vào máu đến vú làm cho các tế bào bài tiết sữa sản xuất sữa, chính vì thế nó giúp cho vú tạo sữa cho bữa ăn tiếp theo. Prolactin làm cho bà mẹ cảm thấy thư giãn, đôi khi buồn ngủ; vì vậy bà mẹ có thể nghỉ ngơi tốt ngay cả khi cho bú vào ban đêm. Mặt khác, việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể trì hoãn việc phóng noãn và có kinh lại do prolactin ức chế sự phóng noãn nên nếu cho con bú mẹ hoàn toàn bà mẹ có thể chậm có thai lại.
Sau khi sanh, tử cung co chắc lại thành một khối cầu an toàn để thực hiện cầm máu, việc cho bú sớm nửa giờ đầu sau sanh sẽ giúp tử cung co lại tốt hơn, và giảm việc chảy máu sau sanh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy người mẹ cho con bú ít có nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng hơn người không cho con bú mẹ; mẹ cho con bú sẽ sớm lấy lại vóc dáng như mong muốn do sự tiêu thụ tích cực nguồn năng lượng.
Sữa mẹ luôn có sẵn với nhiệt độ thích hợp, mẹ có thể cho bé bú bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu mà không cần phải tiệt trùng bình sữa, pha sữa hay hâm nóng sữa.
Bất kỳ một loại sữa nhân tạo nào dù rẻ nhất được dùng cho trẻ cũng làm tốn một khoảng tiền không nhỏ trong ngân sách chi tiêu gia đình. Trong tháng đầu của cuộc sống, nếu thay sữa mẹ bằng sữa nhân tạo đứa trẻ cần ít nhất 2.5kg sữa, tháng thứ hai là 3.25kg, từ tháng thứ ba trở đi cần khoảng 4kg/tháng. Tổng lượng sữa trẻ cần trong 6 tháng là khoảng 54.4 hộp sữa, tương đương  trên 20kg sữa. Mặt khác dù một số loại sữa đắt tiền có chất lượng gần giống sữa người nhưng chất lượng đạm và chất béo không bao giờ so sánh được với sữa mẹ và cũng không có bất kỳ hiệu sữa bột nào có chứa các chất kháng khuẩn.
Sự hỗ trợ cần thiết của xã hội và gia đình đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ
Năm 1989, WHO và UNICEF đã khuyến cáo bảo vệ, đẩy mạnh và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mười điều nuôi con bằng sữa mẹ thành công là tóm tắt những khuyến cáo chính. Đó là cơ sở cho việc “khởi xướng bệnh viện bạn hữu trẻ em”.
Để thành công trong việc tiến hành và duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ cần được sự ủng hộ tích cực trong quá trình thai nghén và sau sanh bởi gia đình họ, các nhân viên y tế và cộng đồng. Các cán bộ y tế khi tiếp xúc với phụ nữ mang thai và các bà mẹ mới sinh con được giao nhiệm vụ khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ; họ cần có khả năng cung cấp thông tin thích hợp và có hiểu biết sâu sắc với thái độ tích cực đối với việc thực hiện chương trình nuôi con bằng sữa mẹ.
Chương trình nuôi con bằng sữa mẹ là một phần trách nhiệm của xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết định và quy định nhằm khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ; dành mọi sự ưu tiên cho các thông tin, giáo dục lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng như các phương pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Việc kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ phải tuân theo những quy định này đồng thời nghiêm cấm những hành vi quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm thay thế này.
Sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng thật sự quan trọng và hữu ích đối với bà mẹ, kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của những người phụ nữ trong gia đình cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi con của họ.
 Lợi ích cho cộng đồng và cho môi trường
Nuôi con bằng sữa mẹ, được xem là biện pháp tốt nhất để giảm nhu cầu tiêu thụ sữa thay thế không phù hợp và đắt tiền, đạt an toàn thực phẩm. Trẻ bú sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn, xã hội sẽ được lợi. Các bà mẹ và trẻ nhỏ khỏe mạnh hơn giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh. Kinh phí cho y tế của một đất nước mà trẻ được bú mẹ hoàn toàn thấp hơn những nước mà trẻ không được bú mẹ hoàn toàn vì phải tốn chi phí cho bệnh tật, thuốc men và bệnh viện.
Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần tăng lực lượng lao động. Những bà mẹ cho con bú làm việc ít hơn nhưng con của họ thì ít bệnh hơn. Do đó, chi phí cho việc thuê mướn lao động thấp hơn nhưng năng suất lao động cao hơn.
Bên cạnh đó, việc cho con bú sữa mẹ cũng góp phần bảo vệ môi trường sống; mỗi bà mẹ cho con bú góp phần làm giảm nạn ô nhiễm và rác thải. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không gây tốn mặt bằng, nước, kim loại, nhựa, nhiên liệu… những thứ gây hao phí và hủy hoại môi trường.
Mười điều để nuôi con bằng sữa mẹ thành công
1.     Có một quy định về nuôi con bằng sữa mẹ được viết thành văn bản, được phổ biến rộng rãi cho mọi cán bộ y tế.
2.     Huấn luyện cho tất cả các cán bộ y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện quy định này.
3.     Thông tin cho tất cả các phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách thực hiện.
4.     Giúp các bà mẹ bắt đầu cho con bú trong vòng nửa giờ sau đẻ.
5.     Chỉ dẫn cho các bà mẹ cách cho con bú và cách duy trì sự tạo sữa mẹ ngay cả khi họ phải xa con.
6.     Không cho trẻ sơ sinh bất cứ đồ ăn thức uống gì ngoài sữa mẹ trừ khi có chỉ định y tế.
7.     Thực hành ở cùng phòng để con được gần mẹ suốt 24 giờ trong một ngày.
8.     Khuyến khích cho bú theo nhu cầu.
9.     Không cho con ngậm bất cứ loại vú giả hoặc đầu vú cao su nào.
10. Khuyến khích việc thành lập các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu các bà mẹ tới đó khi các bà mẹ xuất viện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét