BS. Huỳnh Bá Lĩnh BV. Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM
Bệnh thống phong là một bệnh khớp phổ biến ở người đàn ông trung niên nhưng bị lầm với thấp khớp vì người ta ít nghĩ đến nó. Bệnh thống phong nằm trong nhóm bệnh khớp bị lắng đọng các tinh thể muối trong ổ khớp và các tổ chức quanh khớp.
Nguyên nhân: Cơ thể người bệnh thống phong có sự chuyển hóa purin bị rối loạn. Chuyển hóa này giúp cơ thể phân hủy các axit nucleic nhân các tế bào bị già chết. Sản phẩm của quá trình này là axit uric. Acid uric có trong máu với nồng độ bình thường là 3 – 5 mg/100ml. Khi nồng độ này tăng thường xuyên sẽ tạo sự lắng đọng của axit uric dưới dạng tinh thể muối Natri urat ở sụn, xương, khớp hoặc thận. Lúc đó bệnh sẽ biểu hiện ra ngoài. Axit uric được thận bài tiết ra nước tiểu. Do đó, hai yếu tố chính làm axit uric tăng là tăng sản xuất axit uric (như chế độ ăn giàu purin, hiện tượng tăng phá hủy tế bào trong bệnh ác tính hay chấn thương…) giảm bài xuất axit uric (yếu thận, một số thuốc như aspirin, vitamin C hoặc rượu…) Bệnh cảnh lâm sàng: Bệnh khởi phát tự nhiên hoặc sau khi có những yếu tố thuận lợi như chấn thương, say rượu, dùng thuốc lợi tiểu (nước mát), phẫu thuật, cảm cúm, gắng sức… Khớp đau thường là khớp bàn ngón của ngón chân cái, cổ chân, gót chân hay khuỷu. Đôi khi là các khớp khác như gối bàn tay. Đặc điểm là chỉ đau một khớp. Khớp đau dữ dội khiến người bệnh không thể cử động được. Khớp sưng đỏ giống như bị sưng mủ. Cơn đau kéo dài 1 – 2 tuần nếu không điều trị. Xét nghiệm máu thấy axit uric tăng cao trên 7 mg/100ml. Chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch khớp đi soi sẽ thấy các tinh thể muối urat. Cơn đau sau đó sẽ tái phát, đôi khi ở vị trí khác. Trên cơ thể xuất hiện các khối u mềm, căng gọi là tophi, trong có chứa chất bột trắng như phấn, đó là muối Natri urat. Các khối u này có thể bị vỡ ra tạo thành các ổ loét rất khó điều trị cho lành. Đôi khi làm độc có thể gây hoại tử chi hay đe dọa tính mạng. Đối với bệnh thống phong, người ta e ngại những biến chứng của nó gây ra trên khớp và thận hơn cả cơn đau kịch phát bởi vì đó là những tổn thương không hồi phục được. Chẳng hạn với khớp, nó làm hư mặt khớp và bao khớp. Do đó người bệnh cử động hay đi lại sẽ bị đau mà không có thuốc nào chữa khỏi trừ phi mổ chỉnh hình hoặc thay khớp giả. Trên thận, muối urát sẽ tạo thành sỏi thận. Hậu quả là gây ra suy thận cùng với các biến chứng của nó. Bệnh thống phong làm người ta đau khổ vì những cơn đau, tàn phế vì hư khớp xương, mòn mỏi vì suy thận. Vì thế cần được phát hiện sớm để điều trị trước khi có biến chứng. CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ Điều trị bệnh thống phong cần phải phối hợp nhiều biện pháp đồng bộ. Nếu chỉ biết thuốc men thì chắc chắn sẽ không được hiệu quả. Chế độ ăn uống - Hạn chế ăn những loại thức ăn giàu purin như phủ tạng động vật, (gan, thận, não…) các loại đậu, thịt tươi đỏ… Một chế độ ăn thiếu thốn sẽ giúp làm giảm axít uric trong máu, đặc biệt đối với những bệnh nhân không thể uống thuốc điều trị. - Bỏ hẳn đồ uống có cồn như rượu, bia, nước trái cây lên men… vì cồn làm giảm bài tiết axít uric qua thận, không nên uống các loại nước có tính lợi tiểu như nước ngọt có gas, trà, cà phê, nước mát nấu từ thực vật (rau má, mía lau rễ tranh…) vì nó có cơ chế làm giảm bài tiết axít uric qua nước tiểu. - Không tự ý sử dụng một số loại thuốc sau: thuốc lợi tiểu, Aspirin, Vitamin C, thuốc kháng lao, Theophyline, Methyldopa. - Những loại thức ăn và thuốc kể trên có thể gây ra các cơn đau kịch phát và làm bệnh tiến triển xấu đi. Chế độ nghỉ ngơi - Trong cơn đau tuyệt đối để khớp nghỉ ngơi bởi vì sự vận động làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urát vào trong khớp. Hậu quả là khớp sưng đau nhiều hơn. Tốt nhất là nằm nghỉ hoặc bất động bằng nẹp hay bột. - Ngoài cơn đau cần phải có chế độ lao động và sinh hoạt thích hợp với tình trạng của khớp đau. Nếu làm quá sức sẽ làm khớp mau hư hơn. - Chú ý không nên chườm nóng vì nó sẽ làm cơn đau tăng lên. Ngược lại đắp lạnh nhiều khi làm giảm đau rõ rệt. Chế độ thuốc điều trị Có hai nhóm thuốc chủ yếu trong điều trị thống phong. 1/ Cắt cơn đau cấp tính - Kháng viêm NSAID: giảm đau cấp thời của tình trạng viêm hoạt mạc cấp tính. - Colchicine (Colchimax): đây là thuốc điều trị kinh điển cho cơn đau thống phong cấp. Gần đây, người ta thấy hiệu quả của nó kém hơn NSAID. Hơn nữa, nó còn gây tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn làm người bệnh rất khó chịu. 2/ Giảm nồng độ acid uric: - Allopurinol (Zyloric): làm giảm sản xuất acid uric. Vì đây là thuốc uống dài ngày nên cần chú ý tác dụng phụ của nó như làm giảm bạch cầu hạt… - Probenecid: tăng thải trừ acid uric qua nước tiểu. Vì thế có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận do lắng đọng tinh thể muối urát. 3/ Một số thuốc khác: - Corticoid chích tại chỗ: khi sưng nhiều hoặc không uống được các thuốc khác được. - Prednisone và ACTH: dùng trong các trường hợp nặng đau nhiều khớp. - Griseofulvin: đôi khi khá hiệu quả trong cơn đau cấp. - Sulfinpyrazone: tăng thải trừ acid uric qua thận. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên ngày nay ít dùng. Tóm lại, chiến lược điều trị là cắt cơn đau cấp bằng thuốc, nghỉ ngơi cho khớp, loại trừ các yếu tố nguy cơ trong ăn uống và thuốc men. Sau đó, dùng thuốc làm giảm nồng độ acid uric trong máu, chế độ ăn uống kiêng thích hợp. Các bài tập VLTL cho khớp đau. Như vậy, một chế độ ăn điều độ, nhiều rau quả sẽ giúp chúng ta tránh được căn bệnh thống phong nguy hiểm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét