Trong bài trước chúng tôi đã cung cấp cho quí vị và các bạn các thuật ngữ cơ bản : hỗn hợp dịch ráy, ráy tai và cứt ráy (theo cách gọi dân gian chỉ ráy bị tích tụ trong ống tai lâu, không thải ra ngoài được).
Bài này, chúng tôi có những phân tích cụ thể hơn, đồng thời cũng lưu ý cho quí vị và các bạn nên tránh những nhận định sai lầm như một số chuyên gia (cả trong nước và trên thế giới) còn mắc phải để phòng tránh. Trong bài này chúng tôi chỉ có tham vọng quan tâm đến một yếu tố quan trọng liên quan đến sức khỏe tai đó là ráy tai.
1. Sức khỏe thính giác được bảo vệ và duy trì như thế nào?
Sự phối hợp giữa cấu trúc, hình dạng tự nhiên của loa tai, ống tai, lông tai, hỗn hợp dịch tai (dịch ráy +dịch nhầy + mồ hôi/nhẹ) và cơ chế tự làm sạch “cứt ráy” đã đủ tạo nên khả năng bảo vệ an toàn cho màng nhĩ và chính bản thân ống tai.
This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 606x190. |
H1. - Hình minh họa của AnatomyAtlases.org
Loa tai hứng âm thanh, ổn định tốc độ, chống xáo trộn của không khí ở ngay cửa ống tai để màng nhĩ vẫn thu được sóng âm ổn định dù đang đứng yên hay chuyển động. Cấu trúc và hình dáng vành tai, loa tai giúp ngăn ngừa bụi, nước bẩn xâm nhập. Phần lớn các chất ngoại sinh bất lợi (phần thô) được giữ lại ở loa tai. ( Bảo vệ vòng 1)
Cấu trúc của ống tai ngoài không phải là một ống thẳng, nó có hình dạng phù hợp với các tư thế phổ biến của con người như đứng, ngồi, nằm giúp tạo điều kiện tốt nhất cho cơ chế tự đào thải ráy, chống sự xâm nhập của các tác nhân gây hại.
Các lông tai và đoạn ống tai phía ngoài đã được làm ướt, bôi trơn bởi hỗn hợp dịch “vệ sĩ” giúp bắt dính bụi, (kể cả khói bụi có chứa hóa chất độc hại từ khí thải giao thông,công nghiệp) giết vi khuẩn,nấm, chống thấm nước cho da tai, ngăn cản nước lọt sâu vào trong ống tai (Bảo vệ vòng 2) và Cơ chế di trú - giúp tự làm sạch “cứt ráy” ( bảo vệ vòng 3)
2.Cơ chế di trú - cơ chế tự làm sạch cứt ráy, bệnh dính ráy, nén ráy, tích tụ ráy, nút ráy và các hệ lụy liên quan.
Các tế bào da chết và chất thải trên da của cơ thể bị rơi rụng ra do tác động ma sát tiếp xúc với quần, áo và giường, ghế, vv...hoặc kỳ cọ khi tắm.
Còn trong ống tai, không có sự tác động ma sát để thực hiện công việc này, việc loại bỏ một cách tự nhiên những chất thải trong quá trình hoạt động sống của tai là một cơ chế hết sức phức tạp (chúng tôi sẽ có riêng một bài viết về cơ chế này). Nó được gọi là cơ chế di trú (migration mechanism).
Ống tai ngoài ở người trưởng thành có chiều dài khoảng 1 Inch ( xấp xỉ 2,5 cm), chia làm 2 phần, phần có sụn: 2/3 phía ngoài và phần gắn với xương phía dưới: 1/3 phía trong.
Lớp da của ống tai phần phía trong chỉ dày 0,1 mm dính sát ngay vào xương ở phía dưới và được khớp nối liền với màng nhĩ. Đoạn ống tai này có chức năng đặc biệt là bảo vệ màng nhĩ và dọn dẹp sạch các vảy da chết bằng cơ chế di trú, nó chia cắt các liên kết sừng tạo thành các vảy da nhỏ, làm tróc và được”di trú” ra ngoài mang theo các tác nhân ngoại sinh bất lợi đã vượt qua hàng rào bảo vệ của phần ống tai phía ngoài rồi dính vào nó. Các vảy da được trộn lẫn với hỗn hợp dịch tai cùng các chất ngoại sinh. Vì dịch hỗn hợp có độ nhớt và độ dính cao nên các vảy da có tác dụng làm tơi, xốp “cứt ráy” khiến cho trong quá trình bị phân hủy và khô đi,cứt ráy được hình thành ở dạng những hạt tơi xốp,nhỏ vụn như bông tuyết có màu hơi nâu (rice bran wax) để dễ dàng di trú ra ngoài loa tai. Cơ chế di trú còn được gọi là cơ chế tự làm sạch cứt ráy.
H2. - Hình minh họa của Đại học Northwestern
Một nghiên cứu rất sâu về vấn đề này đã chỉ ra rằng cơ chế di trú hoạt động hiệu quả nhờ một chất được gọi là KADS ( keratinocyte attachment-destroying substance).
KADS thực hiện chức năng chia cắt các liên kết của các tế bào sừng trên LỚP VẢY SỪNG để tạo thành các mảnh da nhỏ tơi xốp riêng biệt và tróc thành vảy (Xem H3). Chất này là steroid sulfatase, là một enzyme aryl-sulfatase-C. Steroid sulfatase thường có trong các tế bào biểu mô, nguyên bào sợi, và bạch cầu. Chỉ có enzyme này được biết là có liên quan trong quá trình làm tróc vảy các tế bào biểu bì.
H3.- Hình minh họa của ssphar.com
Như vậy dính ráy,nén ráy, tích tụ ráy, tạo nút ráy trong ống tai không phải là kết quả của việc sản xuất dư thừa dịch của các tuyến dịch ráy, mà do lỗi trục trặc của chính cái ống tai về khả năng chia, tách rời các tế bào sừng ra thành các vảy sừng riêng biệt và làm long tróc chúng ra. Trong những cái tai của người có sức khỏe thính giác ổn định, các vảy sừng được tách rời thành các vảy da riêng biệt được làm tróc ra và di trú từ phía sâu bên trong ống tai ra ngoài. Qúa trình này được hoạt động bình thường, liên tục, khiến cho tai luôn thông thoáng, thính giác ổn định.( Xem H3)
Cơ chế di trú là kỹ thuật tự nhiên của ống tai đã được nghiên cứu từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cho đến nay vẫn còn nhiều khía cạnh đáng tìm hiểu thêm. Kỹ thuật vận chuyển các hạt “cứt ráy” là nhờ sự vận động của quai hàm kết hợp với sự “rung động” của loa tai, cơ da, sự vận động của các mao mạch dưới lớp da tai, độ dốc của ống tai ở phía ngoài.
NHOMTACGIA đưa ra giả định rằng: Kỹ thuật chia cắt và tróc vảy da chống các tác nhân bất lợi xâm nhập màng nhĩ có giống kỹ thuật “tự ngắt đuôi” để bảo vệ của con thạch sùng ?. Có chất nào khác KADS?. Cơ chế hoạt động như thế nào khiến cho Thạch sùng có khả năng tự ngắt đuôi nhanh như vậy?. Và, có hay không sự “vận động nội tế vi-đàn hồi” hướng về phía màng nhĩ của lớp da ống tai theo kiểu “vận động nội dưới lớp da con rắn khi nó di chuyển” để làm tróc các vảy da và di trú nó ra phía ngoài, khác với cơ chế của (Makino K, Amatsu M.1986)1 ?.
Ở những người có tai ráy ướt, chất sừng được bọt hóa và được trộn lẫn với hỗn hợp dịch ráy trong ống tai, nhóm này ráy có chứa khoảng 50% lipid, hỗn hợp dịch ráy trong tai giống màu xi vàng, có độ sệt. Ráy ít bị dính chặt trên thành ống tai nhưng lại hay có xu hướng nén bết lại thành các nút ráy ướt-cứng gây khó chịu. Ráy tai nhiều quá mức làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm giảm thính giác. Như vậy bạn cần chỉ vừa đủ.
Vậy, thế nào là vừa đủ?
Khi cơ chế di trú- tự làm sạch cứt ráy hoạt động ổn định bình thường, lượng ráy trong tai bạn được xem là vừa đủ.
Tại Hoa kỳ, mỗi tuần trung bình có tới 150.000 ca bệnh nhân phải tới các phòng mạch hay các chuyên khoa Tai-Mũi-Họng ( ENT) để rửa tai. (Grossan M. 1998)2, Con số này ở Anh là 2.3 triệu ca mỗi năm.
Người Việt nam nói riêng, phương Đông nói chung, thông thường tai có ráy khô, loại ráy có chứa khoảng 20% lipid ( ống tai khô, ít trơn-ướt) . Khi cơ chế tự làm sạch trục trặc, cứt ráy không đào thải ra được, nó có khuynh hướng bám dính rất chặt trên thành ống tai, tiến triển lan rộng theo hướng dọc theo ống tai và hướng tâm của ống tai. Các vảy da không bị phá vỡ, chia cắt khi nó ở trên bề mặt ống tai, tính toàn vẹn của nó được duy trì. Kết quả là, nó có xu hướng liên kết mở rộng và lại tiếp tục được bao phủ bởi dịch ráy. Cuối cùng, nó tạo thành một nút ráy khô nút kín lỗ tai.
Việc sử dụng vật cứng để cạy, nạo, lóc các mảng cứt ráy bị dính dễ làm lột đi lớp niêm mạc da tai do lớp da chết trên cùng (LỚP VẢY SỪNG - H3) không được chia nhỏ và tách rời ra được mà vẫn bị dính với lớp da non phía dưới sẽ gây tổn thương da tai, các tuyến dịch tai và các mao mạch và chắc chắn làm hư tổn các tuyến dịch tai và tàn phá cơ chế tự làm sạch. Điều này lý giải cho vấn đề: sử dụng vật cứng kết hợp với cồn sát trùng hay o xy già thì càng lấy ráy sẽ dẫn đến việc ráy phát triển và tích tụ càng nhanh, càng nhiều và càng gây ngứa rất khó chịu dẫn đến việc bệnh nhân phải lệ thuộc vào việc lấy ráy thường xuyên và bị rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn - như tình trạng thường thấy tại các tiệm hớt tóc ở Việt nam hiện nay (Xem H4).
H4. - Hình minh họa của khoahoc.net
Đặc biệt một số nghiên cứu còn cho thấy, nhiều trường hợp có hiện tượng xẩy ra cơ chế di trú ngược khiến cho”cứt ráy” đi ngược vào phía trong ống tai lấp kín và nén dính chặt lên màng nhĩ. Hiện tượng này có thể do lỗi của cấu trúc tự nhiên hoặc do một tác động sinh lý bệnh nào đó làm cho cơ chế đào thải ráy không còn mang tính tự nhiên nữa.
Khi bị thiếu Steroid sulfatase, các chứng bệnh dính ráy,nén ráy, tích tụ ráy trong ống tai bắt đầu diễn ra, tùy thuộc vào cơ địa của từng người, nhưng nó phổ biến hơn ở những người có tuyến dịch ráy bị teo vì lý do tuổi tác.
Những nguyên nhân chủ quan phải khuyến cáo đó là việc sử dụng vật cứng để lấy ráy hoặc dùng chung các dụng cụ lấy ráy không được vô trùng, thậm chí, còn sử dụng chung chổi ngoáy, dùng tăm xỉa răng để gãi ngứa làm tổn thương da tai và các tuyến dịch tai, làm tăng nguy cơ lây nhiễm khuẩn, nấm, gây viêm nhiễm và làm rối loạn tiết dịch tai. Lấy ráy kiểu này, càng thấy ráy xuất hiện nhiều và nhanh hơn. Sẽ là đặc biệt nghiêm trọng khi các vật cứng này gây hư hỏng cơ chế tự làm sạch ráy, rủi ro xuyên thủng màng nhĩ. Việc bôi thường xuyên vào ống tai các dung dịch vốn thường được chỉ định để xử lý các vết thương nhiễm trùng như cồn sát trùng hay oxy già cũng dễ làm khô da tai và gây rối loạn tiết dịch.
Ở những người bị thiếu Steroid sulfatase nghiêm trọng, năng lực chia cắt liên kết của lớp da chết (stratum corneum) bị suy yếu ngay tại các biểu mô ở phần sâu phía dưới bề mặt da ống tai. Ở những bệnh nhân này trong ống tai sẽ hình thành một hoặc nhiều nút da chai cứng gọi là Keratosis obturans. Nhìn thấy nó tựa như những hạt ngọc trai màu trắng, hoàn toàn tạo thành từ các vảy da đông đúc bị nén chặt lại. Nút loại này là vô cùng khó khăn để loại bỏ nó. Lại không được điều trị, các khối này sẽ tiếp tục mở rộng, qua thời gian, áp lực nén do sự mở rộng của nút sẽ nén lên xương, gây đau dữ dội, làm mất khả năng nghe và làm suy yếu ống thính giác.
Kết luận: Sự dính ráy, nén bết ráy, tích tụ ráy,nút ráy trong ống tai là một rối loạn về phương diện Y học. Nó chắc chắn là một rối loạn của sự di trú các biểu mô da trên bề mặt của ống tai ngoài. Nói chính xác, nó là một chứng bệnh của ống tai ngoài.
Thông thường các triệu chứng do dính ráy, nén bết ráy, tích tụ ráy trong ống tai gây ra bao gồm: ngứa ngáy khó chịu, đau tai, ù tai và chóng mặt. Nó có thể để lại những di chứng nghiêm trọng hơn như mất thính giác, rỗ-thủng màng nhĩ, chức năng nghe kém và ảnh hưởng đến quan hệ xã hội.
Việc sử dụng các vật cứng để lấy ráy hoặc dùng chung các dụng cụ lấy ráy không được khử trùng đang im lặng diễn ra một cách phổ biến, đang gây ra và để lại những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe thính giác.
Ngay lúc này,việc cung cấp các thông tin khoa học chuẩn xác về tai và ráy tai nhằm mục đích hướng dẫn nhận thức cho cộng đồng, đồng thời cần đưa ra những phương pháp xử lý xác đáng và khoa học để phòng ngừa các rủi ro, hệ lụy lâu dài và các bệnh tật về tai do “cứt ráy” gây ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là hết sức bức thiết.
Xin xem tiếp Bài 3:
RÁY TAI VÀ CÁC BỆNH LIÊN QUAN, CÁC GIẢI PHÁP XỬ LÝ RÁY TAI ĐƠN GIẢN VÀ HIỆU QUẢ, ĐÚNG CÁCH VÀ KHOA HỌC ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE THÍNH GIÁC
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
THAM KHẢO:
1. Makino K, Amatsu M. Epithelial migration on the tympanic membrane and external canal. Arch Otorhinolaryngol 1986;243:39-42.
2. Grossan M. Cerumen Removal--Current Challenges. ENT journal, 77, #7, 1998, 541-548
NHOMTACGIA: Tiến sĩ PHẠM MINH HƯNG, Bác sĩ PHẠM BÁ CHIỂU, Ds Cao cấp TRƯƠNG QUỐC THỐNG và các đồng sự.
Bài viết thể hiện những quan điểm và nhận thức của NHOMTACGIA.Chúng tôi rất mong nhận được các thông tin trao đổi và phản hồi từ các đồng nghiệp cùng bạn đọc. nhomtacgia@gmail.com
copy to diendanykhoa.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét