Bệnh cảnh
Bệnh nhân Nguyễn Thị Tuấn Kh, nữ 71 tuổi, vào khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 2/2010 với triệu chứng ra máu âm đạo.
Bệnh nhân đã trải qua 4 lần sinh nở ( đẻ thường). Năm 50 tuổi đã mãn kinh. Năm 60 tuổi, bệnh nhân Kh phát hiện bị đái tháo đường.
Trước khi vào viện 6 tháng bệnh nhân thấy ra máu âm đạo, số lượng tăng dần. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại một số bệnh viện nhưng không đỡ. Tình trạng ra máu âm đạo ngày một nhiều, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai.
Qua thăm khám, bác sỹ phát hiện có tổn thương sùi loét tại cổ tử cung, chiếm ¾ chu vi cổ tử cung kích thước 3x4cm, tổn thương dễ chảy máu khi va chạm. Bệnh nhân đã được sinh thiết tổn thương sùi loét này. Kết quả mô bệnh học: ung thư biểu mô vảy.
Cùng đó, các bác sỹ còn khám thấy khối u thuỳ trái giáp trạng kích thước 1,5x1,5cm, mật độ cứng chắc.
Xét nghiệm công thức máu: HC: 3,28T/l (bt là: 3,9-5,4T/l); Hb: 84g/l (bt là 125-145g/l); Bạch cầu: 10,1G/l; Bạch cầu trung tính: 7,7G/l; Tiểu cầu: 569G/l. Xét nghiệm sinh hoá máu: Ure: 4,6 mmol/l; Creatinin: 67µmol/l; Glucose: 18,5mmol/l; ASAT: 11 U/l; ALAT: 8U/l.
Hướng điều trị
Can thiệp tốt nhất vào thời điểm này là bệnh nhân phải cắt toàn bộ tử cung, cùng hai phần phụ và vét hạch chậu. Tuy nhiên do trước đó, bệnh nhân bị mất máu quá nhiều do chảy máu âm đạo, nên bệnh nhân được chỉ định truyền 02 đơn vị khối hồng cầu; điều chỉnh đường huyết trước phẫu thuật.
Ca phẫu thuật được diễn ra tốt đẹp. Bệnh nhân được làm xét nghiệm PET-CT để đánh giá tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh sau mổ.
Trên hình ảnh PET-CT: không thấy hình ảnh tổn thương tại chỗ (tại diện phẫu thuật) và không thấy hình ảnh tổn thương di căn xa. Hình ảnh nhân thuỳ trái tuyến giáp, có nhiều nốt canxi hoá, kích thước 3x1,5x1,4cm; tăng hấp thu F-18 FDG, max SUV=3,65.
Bệnh nhân được làm xét nghiệm tế bào học tại tuyến giáp kết quả tế bào học: ung thư biểu mô tuyến nhú của tuyến giáp.
Trước bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân vừa phẫu thuật cắt tử cung, hai phần phụ và vét hạch chậu trên bệnh nhân cao tuổi, tiền sử đái tháo đường; các bác sỹ lập tức hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo. Qua hội chẩn, các bác sỹ nhận định rằng: bệnh ung thư biểu mô tuyến nhú của tuyến giáp là bệnh tiến triển chậm. Do đó, sẽ điều trị xạ trị vào vùng tiểu khung cho bệnh nhân để diệt nốt những tế bào ung thư cổ tử cung còn sót lại sau mổ. Việc trì hoãn này, giúp cho bệnh nhân có thời gian để hồi phục sức khoẻ.
Khi sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân ổn đinh, sẽ tiến hành phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và vét hạch cổ cho bệnh nhân, rồi tiếp tục điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp cho bệnh nhân bằng I 131.
PGS. TS. Mai trong Khoa, Giám đốc trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cho biết, trên thế giới, tỷ lệ các bệnh nhân bị mắc hai ung thư không nhiều (khoảng 0,1% số bệnh nhân ung thư). Tại Trung tâm Y học hạt nhân và U bướu (YHHN và UB) đã phát hiện được 3 trường hợp một bệnh nhân cùng lúc mắc 2 loại ung thư khác nhau với 2 phương pháp điều trị khác nhau. Hiện tại cả 3 bệnh nhân này vẫn đang được tiếp tục điều trị và đạt kết quả tốt. Vấn đề quan trọng là người thầy thuốc điều trị bệnh ung thư phải biết cân nhắc lựa chọn và phối hợp các phương pháp điều trị phù hợp với thể mô bệnh học để đạt được hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.
Ths.Bs Phạm Thị Cẩm Phương người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: hiện tại, bệnh nhân sắp hoàn thành việc điều trị xạ trị vào vùng tiểu khung. Sức khỏe của bệnh nhân cũng dần ổn định. Sau đó bệnh nhân sẽ được xét điều trị ung thư tuyến giáp (thể nhú) bằng việc phối hợp phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, Iốt phóng xạ (I-131) và liệu pháp hormone...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét