Biểu hiện của Táo bón
Táo bón thường gặp với các cách biểu hiện sau đây:
- Phân cục cứng.
- Giảm số lần đại tiện. Số lần đại tiện không giống nhau giữa người này người khác, cho nên nếu phân bình thường và khi đi cầu không phải rặn nhiều hơn thì không phải là táo bón, cho dù mỗi tuần chỉ đại tiện một hay hai lần.
- Đại tiện khó, rặn nhiều, phải ngồi lâu trong nhà vệ sinh 30 phút hay lâu hơn, có khi phải dùng tay đè ép quanh hậu môn hay trong âm đạo, hay phải dùng thuốc xổ, thụt tháo… Có cảm giác đại tiện không hết phân.
Nguyên nhân của táo bón
Vì táo bón là một triệu chứng, không phải là một bệnh, nên trước hết phải xác định được nguyên nhân thì điều trị mới hiệu quả.
Vì táo bón là một triệu chứng, không phải là một bệnh, nên trước hết phải xác định được nguyên nhân thì điều trị mới hiệu quả.
Trên 75% trường hợp táo bón chỉ là những rối loạn chức năng như chế độ ăn thiếu chất xơ, không đủ nước, ăn kiêng, thay đổi môi trường sống, ít tập thể dục, tác dụng phụ của một số thuốc ảnh hưởng đến co bóp của ruột (thuốc phiện nhất là codein, lợi tiểu, các kháng acid aluminum, viên sắt, các thuốc chống trầm cảm, kháng histamin, chống co thắt, chống co giật...), dùng thuốc nhuận tràng và thụt tháo kéo dài…
Gần 25% táo bón là những rối loạn mắc phải do những nguyên nhân thực thể từ một số bệnh cơ bản, bao gồm:
- Ung thư của đại tràng, tụy, gan, ruột non, tử cung, cổ tử cung, buồng trứng… Táo bón xen kẽ với tiêu chảy có thể là chỉ điểm cho ung thư đại-trực tràng.
- Bất thường giải phẫu: trít hẹp hậu môn, dính ruột, xoắn ruột, sa trực tràng (toàn bề dày thành ruột, lồng trong), sa trực tràng kiểu túi.
- Đờ đại tràng: do thần kinh chi phối đại tràng bị thương tổn.
- Bệnh Hirschsprung hay bệnh phình đại tràng bẩm sinh: do tắc ruột gây ra bởi một đoạn ruột vô hạch (không có các tế bào hạch tức đám rối Auerbach nằm giữa các lớp cơ dọc và cơ vòng của ruột), đoạn này bắt đầu từ hậu môn đi lên trên với chiều dài rất thay đổi nhưng hiếm khi dài tới 30cm.
- Mất phản xạ đại tiện, do gián đoạn các dây thần kinh phó giao cảm đi đến đại tràng.
· Các bệnh lý của cơ thắt hậu môn hay của sàn chậu như phì đại hay co thắt cơ mu-trực tràng, phì đại cơ thắt trong, sa sàn chậu… làm cho đại tiện rất khó kể cả khi đi cầu phân lỏng.
Nội soi ung thư trực tràng
- Hội chứng ruột kích thích: rối loạn của ruột non và đại tràng biểu hiện bằng đau bụng, táo bón hay tiêu chảy. Được cho là phản ứng với stress.
- Mang thai: do tăng progesteron nhất là vào các tháng cuối, do tử cung to lên đè vào và đẩy lệch ruột.
- Các bệnh khác: thiểu năng giáp trạng, thiểu năng tuyến yên, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa porphyrin, chấn thương thần kinh trung ương, bệnh Parkinson, bệnh xơ cứng nhiều nơi, trầm cảm, u não…
- Yếu tố tâm lý: không đi đại tiện (có ý thức) do sợ đau hay sợ các nhà vệ sinh công cộng.
Các cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân táo bón
Các biểu hiện lâm sàng của táo bón được chia làm hai nhóm: tắc đường thoát của phân, và đại tràng nhu động chậm. Nhiều khi phải tiến hành các cận lâm sàng cần thiết để có được chẩn đoán nguyên nhân chính xác của táo bón.
Các biểu hiện lâm sàng của táo bón được chia làm hai nhóm: tắc đường thoát của phân, và đại tràng nhu động chậm. Nhiều khi phải tiến hành các cận lâm sàng cần thiết để có được chẩn đoán nguyên nhân chính xác của táo bón.
Để chẩn đoán nguyên nhân táo bón do ung thư: nội soi đại-trực tràng, nội soi viên nang, siêu âm bụng, thử các chất chỉ điểm ung thư, chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ.
Để chẩn đoán nguyên nhân táo bón không do ung thư: đo áp lực hậu môn, đo phản xạ đại tiện, nghiệm pháp tống bóng, X quang đại tràng cản quang, chụp di tiêu đại tràng bằng viên Sitzmark đánh dấu, X quang động trực tràng, và chụp cộng hưởng từ động trực tràng lúc đang đại tiện.
Làm các xét nghiệm để xác định các bệnh cơ bản đi kèm như đái tháo đường, các bệnh nội tiết…
Điều trị táo bón
Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.
Táo bón do thuốc, do chế độ ăn, thay đổi sinh hoạt hoặc môi trường: hướng dẫn chế độ ăn và cách rặn lúc đại tiện, có thể dùng thêm thuốc làm mềm phân.
Các ung thư gây táo bón phải điều trị nguyên nhân.
Bệnh Hirschsprung gây táo bón: phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột vô hạch.
Đờ đại tràng, mất phản xạ đại tiện: chữa bằng thuốc làm tăng nhu động đại tràng phối hợp với kích điện trực tràng và tập phản hồi sinh học. Phẫu thuật cắt đoạn đại tràng khi táo bón nghiêm trọng do đờ đại tràng và bị táo bón liên tục.
Mất phản xạ đại tiện ở trẻ em: có thể phối hợp thêm điện giao thoa.
Co thắt hậu môn: điều trị bằng tập phản hồi sinh học, có thể phối hợp thêm chích Botulinum Toxin A vào cơ mu-trực tràng nếu có phì đại hay co thắt của cơ này.
Lồng trực tràng-hậu môn, sa trực tràng kiểu túi, sa sàn chậu độ I: tập phản hồi sinh học phối hợp thuốc làm mềm phân; sa độ II, III thường phải phẫu thuật.
Điều trị táo bón mạn tính thường bao gồm 4 giai đoạn: (1) Tẩy sạch phân; (2) Duy trì, mục đích là giữ cho phân mềm, đại tiện đều và không đau; (3) Thay đổi về cư xử, hành vi là sống còn để khỏi táo bón; (4) Thay đổi về ăn, cố gắng ăn uống đều đặn và giảm các bữa ăn qua loa để có được phản xạ tự nhiên đi đại tiện sau bữa ăn. Chế độ ăn hàng ngày đủ 20 – 35 gram chất xơ, uống gần 2 lít nước hay nước ép trái cây. Các thứ nhiều chất xơ: quả mâm xôi, mận khô, lê, nho, táo cả vỏ, cam, dâu tây, đậu, khoai tây cả vỏ, bí ngô… Giảm các thức ăn gây táo bón: thạch, cơm, chuối, thịt ướp muối, bánh quy dòn… Hạn chế các thức ăn không có hoặc có ít chất xơ như kem, phó mát, thịt, các đồ ăn chế biến.
BS Nguyễn Văn Hậu
Theo bvdaihoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét