Tham nhũng trong y tế VN

Ông Rolf Bergman (Đại sứ Thụy Điển) nhìn nhận, tham nhũng trong y tế là vấn đề đặc biệt "trầm trọng". "Nó đánh gục họ khi ở những thời điểm dễ tổn thương nhất. Giữa cái sống và cái chết, giữa vấn đề sức khỏe và ốm đau, người ta không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền".

Còn tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul trong bài tham luận phân tích: "Đưa phong bì là để đút lót hay để trả ơn? Một người sẽ lấy lý do mức lương trong ngành y tế thấp, một bên sẽ cho rằng đó là chỉ hình thức tặng quà. Trong cả hai trường hợp người tặng và người nhận sẽ hiểu nghĩa như một cuộc trao đổi".

Theo bà, ngoài việc bày tỏ sự cảm ơn, bệnh nhân còn có tính toán khác đó là họ kỳ vọng sẽ được dịch vụ với chất lượng tốt hơn, giảm bớt thời gian chờ đợi. Dẫn chứng tại Viện Nhi Trung ương, nghiên cứu của tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul cho thấy "trung bình mỗi em phải đợi 300 phút để tới lượt khám trong khi thời gian tương tác với nhân viên y tế là 40 phút".

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới tham nhũng trong y tế, ông Jaico Acuna Alfaro (Cố vấn chính sách, cải cách hành chính công và phòng chống tham nhũng của UNDP) cho rằng một phần là do có hiện tượng bác sĩ đi mua "ghế" tại bệnh viện, và họ hy vọng khi được vào làm sẽ thu lại được số tiền đã bỏ ra.

Với thực tiễn kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết (Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức) đã làm "nóng" cuộc đối thoại bởi những tâm sự rất thật của người "trong cuộc".

"Những điều vừa nêu chỉ là hiện tượng rất nhỏ, không đại diện và không phải là phổ biến. Tôi không phủ nhận là không có tiêu cực, việc này nước nào cũng có. Đó là hiện tượng bất khả kháng", ông nêu quan điểm.

Người lãnh đạo bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của VN khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực đã luôn được ngành y tế quan tâm. Tại bệnh viện Việt - Đức do ông làm giám đốc luôn có đường dây nóng để người dân phản ánh bức xúc, đối thoại về thái độ phục vụ của y, bác sĩ.

Theo ông Tiến để chống tham nhũng cần thay đổi cơ chế quản lý, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và mở rộng tối đa dân chủ. Nhưng quan trọng và cấp thiết hơn cả là tạo môi trường lành mạnh cho y, bác sĩ làm việc.

"Đề nghị nhà nước nuôi cho người ta đủ sống; trả lương y, bác sĩ 6-7 triệu đồng một tháng; đồng thời kỷ luật thật nghiêm thì tham nhũng, tiêu cực sẽ tự động giảm", ông đề xuất.




http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA160FE/

1 nhận xét:

  1. mình thấy câu này hay nhất "Giữa cái sống và cái chết, giữa vấn đề sức khỏe và ốm đau, người ta không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền".

    Trả lờiXóa