BÀI THI KÌ LẠ

(TT&VH) - Cô bạn tôi vượt qua kỳ tuyển sinh của một trường đại học y khoa danh tiếng nước Anh. Trong lá thư gửi về thông báo cho gia đình và bè bạn, cô kể về bài thi kỳ lạ lần đầu tiên mình phải làm, một bài thi nhằm đánh giá “tư chất đạo đức” của người hành nghề y trong tương lai.

Bài thi gồm nhiều câu hỏi ngắn, chủ yếu đặt ra các tình huống giả định mà một con người có thể phải đối mặt và xử trí trong cuộc sống. Trong đó có một câu hỏi thế này: “Nếu như trong ca trực của mình, anh/chị đồng thời đón tiếp hai trường hợp bệnh nhân được đưa tới: một người anh/chị không hề quen biết và một người là mẹ chồng/vợ của mình, anh/chị sẽ chọn chẩn đoán và tiến hành các biện pháp sơ cấp cứu, điều trị cho ai trước?”


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Với câu hỏi này, thí sinh nào chọn chữa trị cho người không quen biết trước sẽ bị điểm kém. Và thí sinh nào chọn chữa trị cho mẹ chồng/vợ trước cũng sẽ bị điểm kém. Câu trả lời đạt điểm tối đa ở đây phải là: Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân khi nhập viện. Người có tình trạng bệnh nguy kịch hơn, đòi hỏi những đáp ứng khẩn cấp hơn sẽ được ưu tiên chữa trị trước.

Một câu hỏi mẹo không quá khó, đúng không? Nhưng câu chuyện tiếp theo sau câu hỏi đó mà cô bạn tôi kể mới thực sự thú vị. Cô kể, sau khi đã nhập học, cô có dịp được ngồi nói chuyện cùng một giáo sư dạy học tại trường. Đem câu hỏi mà mình từng gặp trong bài kiểm tra đầu vào kể cho giáo sư này nghe, cô đặt ra một thắc mắc: Nếu thí sinh dự thi là một người có năng lực thực sự nhưng bị đánh trượt vì trả lời sai câu hỏi này thì có phải đáng tiếc lắm không? Anh/chị ta đã có thể sẽ là một bác sĩ đầu ngành trong tương lai thì sao?

Vị giáo sư mỉm cười, nhẹ nhàng trả lời: Đó không chỉ là bài kiểm tra về “tư chất đạo đức” của người hành nghề y. Đó còn là bài kiểm tra về “tư chất đạo đức” của một con người. Và “tư chất đạo đức” của mỗi con người thì hình thành ngay từ khi con người ta còn nhỏ. Một người học lực kém nhưng “tư chất đạo đức” tốt, qua quá trình học tập rèn luyện chăm chỉ vẫn có thể trở thành một vị bác sĩ với trình độ chuyên môn giỏi. Nhưng một bác sĩ dù tài giỏi tới đâu đi chăng nữa mà “tư chất đạo đức” kém thì cũng sẽ chỉ trở thành một vị lang băm mà thôi. Mấy trăm giờ học trên giảng đường không thể “cải tạo tư chất đạo đức” cho một con người được.

Lời của vị giáo sư, hay chính là triết lý đào tào nhân tài của ngôi trường nọ quả thật đáng để chúng ta phải quan tâm suy nghĩ. Nó rất khác với cách tuyển sinh cũng như giáo dục hiện thời của chúng ta, khi bài kiểm tra đầu vào được phân theo thành các khối (A, B, C, D) nhưng đồng nhất về mặt nội dung cho tất cả các trường đại học; và quá trình uốn nắn về mặt đạo đức kéo dài cho tới tận khi người sinh viên đã ngoài hai mươi tuổi. Vị giáo sư của ngôi trường nọ giải thích thêm với cô bạn tôi về lý do chọn lựa người có “tư chất đạo đức” chứ không phải người có “tiềm năng học lực giỏi”. Đó là, một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nhân cách con người hình thành, hoàn thiện và trở nên gần như bền vững khi con người ta bước vào tuổi thành niên. Do đó, các bài học đạo đức hay tư tưởng lúc này gần như không đạt được hiệu quả mong muốn nữa.

Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét