Tâm phế mạn là một bệnh tim phổi mạn tính do bệnh ở phổi (viêm phế quản mạn, hen phế quản, giãn phế quản, lao phổi, bụi phổi ...) hoặc bệnh ở lồng ngực (các dị dạng lồng ngực: gù vẹo, xơ màng phổi, dày dính màng phổi ...) gây trở ngại cho tuần hoàn phổi, áp lực động mạch phổi tăng, tâm thất phải dày lên, to ra và dẫn đến suy tim phải.
Tâm phế mạn là một bệnh toàn thân mà biểu hiện sự rối loạn chức năng tim phổi là chính, tỷ lệ phát bệnh cao ở tuổi trung niên và người lớn tuổi (trên 40 tuổi) và 80 - 90% là do viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, khí phế thũng và hen phế quản. Bệnh lúc cấp diễn thường có các triệu chứng: khó thở, thở gấp, hồi hộp, môi lưỡi tím, nổi tĩnh mạch cổ, phù mắt cá chân. Thời gian từ khi mắc bệnh đến lúc xuất hiện tâm phế mạn khoảng từ 3 - 10 năm.
Theo Y học cổ truyền, bệnh thuộc phạm trù chứng "Đàm ẩm", "Suyễn chứng", "Thủy thũng", "Tâm quý" có liên quan đến 4 tạng Tâm, Phế, Tỳ, Thận.
II- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG:
Tùy theo giai đoạn bệnh mà triệu chứng lâm sàng khác nhau:
1/ Giai đoạn bù trừ:
Lúc đầu có thể chưa có triệu chứng gì riêng ngoài các triệu chứng của bệnh nguyên phát phổi và lồng ngực. Dần dần bệnh nhân khó thở gia tăng, môi lưỡi, móng tay chân tím tái. Kiểm tra có biểu hiện áp lực động mạch phổi tăng như tiếng tim thứ hai đanh ở vùng động mạch phổi, thất phải dày to, tiếng thổi tâm thu vùng van ba lá, tim đập mạnh ở mõm ức.
2/ Giai đoạn chức năng mất bù:
Theo sự phát triển của bệnh, thường gặp là sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, chức năng tim phổi rối loạn nặng hơn. Lượng đàm tăng lên nhiều, thông khí trở ngại, oxy máu giảm, khí CO2 máu tăng dẫn đến suy hô hấp và suy tim.
a/ Suy tim: Chủ yếu là suy tim phải. Triệu chứng chủ yếu là ăn kém, bụng đầy, nôn, buồn nôn, tím tái, nổi tĩnh mạch cổ, gan to ấn đau, phù.
b/ Suy hô hấp: Oxy máu thấp, khó thở, tím tái, ngón tay dùi trống, tim nhịp nhanh dẫn đến chức năng não rối loạn, bệnh nhân phản ứng chậm, nói sảng, co giật, hôn mê …
c/ Hội chứng tâm phế não: Suy hô hấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ thần kinh tinh thần: bệnh nhân buồn ngủ, lú lẫn, hôn mê. Hoặc có những hưng phấn, run giật, co giật, niêm mạc mắt đỏ thẫm, phù mặt nặng, tiểu ít, tĩnh mạch nông tay chân nổi, giãn mạch ngoại vi, da ấn đỏ. Xuất hiện một số biến chứng như nhịp tim không đều, xuất huyết đường tiêu hóa trên, suy tim trái, suy chức năng thận, đông máu rải rác nội mạch, rối loạn cân bằng kiềm - toan …
III- CHẨN ĐOÁN: Chủ yếu dựa vào:
1- Tiền sử mắc bệnh mạn tính phổi và lồng ngực như viêm phế quản mạn biến chứng khí phế thũng, lao phổi nặng, hen phế quản, giãn phế quản, viêm cột sống dạng phong thấp, viêm dính màng phổi rộng …
2- Khó thở tím tái: Có thể loại trừ các nguyên nhân khác.
3- Tim đập rõ dưới mõm ức, tiếng thổi tâm thu ở ổ động mạch phổi, tiếng thứ hai vang mạnh ở ổ động mạch phổi, nhìn thấy tim đập mạnh ở khoảng liên sườn 2, 3 bờ trái xương ức.
4- Gan to, ấn đau, nổi tĩnh mạch cổ.
5- Tăng áp lực tĩnh mạch.
6- Tiền sử có tâm phế bệnh hoặc suy tim trái.
7- Kiểm tra hóa lý:
a/ Hồng cầu và huyết sắc tố tăng nhiều, độ bão hòa oxy máu động mạch thấp, phân áp CO2 và dự trữ kiềm tăng. Trường hợp suy tim có Protein niệu nhẹ, nước tiểu có trụ niệu, hồng bạch cầu, thời kỳ cuối men SGOT tăng cao, NPN tăng, rối loạn cân bằng kiềm toan.
b/ Điện tâm đồ: Điện áp thấp, hình ảnh sóng P phế, trục lệch phải trên 90o, dày thất phải, blốc nhánh phải không hoàn toàn.
c/ X quang: Chụp phát hiện hình ảnh của bệnh phổi và lồng ngực, đoạn động mạch phổi phình, thất phải và nhĩ phải to.
IV- ĐIỀU TRỊ:
A- Điều trị bằng thuốc Tây trong đợt bệnh tiến triển:
1/ Nghỉ ngơi tuyệt đối, nằm đầu cao, ăn nhạt.
2/ Liệu pháp oxy: ngửi từng lúc.
3/ Thuốc trụ sinh chống nhiễm khuẩn, thời gian dùng không dưới 15 ngày.
4/ Có thể cho Corticoid để hạn chế tiết dịch.
5/ Thuốc giãn phế quản: Theophylline, Aminophyllin.
6/ Thuốc lợi niệu, nếu có suy tim cho thuốc trợ tim, lợi niệu.
7/ Thuốc hưng phấn trung khu hô hấp như Niketamid mỗi lần 0,375 g, mỗi 1 - 4 giờ dùng lại tiêm bắp 1 lần lúc có suy hô hấp nặng.
8/ Thuốc hóa đàm: Trường hợp bệnh nhân hôn mê, dùng ống hoặc máy hút đờm. Hạn chế các loại thuốc làm cản trở khạc đàm (thuốc ho, Atropin …).
9/ Không dùng thuốc ức chế trung khu hô hấp như Morphine, thuốc ngủ, thuốc an thần.
10/ Điều chỉnh nhiễm độc toan do hô hấp, có thể chọn dùng dung dịch Lactate natri 11,2% hoặc Bicarbonat natri 5%.
Ngoài đợt tiến triển, chú ý tránh lao động nặng, tạo không khí sống thoải mái, tránh nơi ẩm thấp, tuyệt đối bỏ thuốc lá, thuốc lào, tập thể dục hàng ngày, luyện dưỡng sinh, khí công, xoa bóp, thái cực quyền là những phương pháp phòng trị bệnh tâm phế mạn rất tốt cần được chú trọng. Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Dùng thuốc y học cổ truyền có tác dụng điều chỉnh cơ thể, chống nhiễm khuẩn, nâng cao sức khỏe và tính miễn dịch của cơ thể.
B- Điều trị bằng Y học cổ truyền:
Biện chứng luận trị: Có thể chia các thể bệnh và điều trị như sau:
1/ Phế khí bất túc, đờm trọc ủng trệ:
- Triệu chứng chủ yếu: Ho nhiều đờm, hơi ngắn, khó thở tăng lúc lao động, sợ gió, ra mồ hôi, mệt mỏi, chất lưỡi nhợt hoặc tía, mạch tế hoặc kết đại.
- Phép trị: Ôn phế hóa đàm, giáng khí bình suyễn.
- Bài thuốc: “Linh quế truật cam thang hợp Tô tử giáng khí thang gia giảm”. Bạch linh 15g, Bạch truật, Tô tử, Bán hạ, Trần bì, Đương quy, Tiền hồ đều 12g, Quế chi 8g, Hậu phác 8g, Cam thảo 4g.
Trường hợp mệt nhiều, khó thở, ra mồ hôi nhiều gia Đảng sâm, Hoàng kỳ để ích khí cố biểu, bỏ Hậu phác, Tiền hồ.
Trường hợp môi mặt xanh tím, gia Hồng hoa, Xích thược, Đơn sâm để hoạt huyết hóa ứ. Trường hợp sốt, mồm khát, khó thở, ngực tức, đờm vàng đặc, dùng bài “Ma hạnh thạch cam thang” gia Bồ công anh, Ngư tinh thảo, Kim ngân hoa để thanh phế, hóa đàm, bình suyễn.
2/ Tỳ thận dương hư, thủy thấp ứ trệ:
- Triệu chứng chủ yếu: Sắc mặt tối, chân tay lạnh, toàn thân phù chân nặng, tiểu ít hồi hộp, khó thở, không nằm ngửa được, thân lưỡi bệu nhạt, rêu hoạt nhớt, mạch trầm tế.
- Phép trị: Ôn dương lợi thủy, kiện tỳ hóa đàm.
- Bài thuốc: “Chân vũ thang hợp Ngũ linh tán gia giảm”. Phụ tử chế 12g (sắc trước), Can khương 6g, Bạch linh, Bạch thược, Trạch tả, Trư linh, Xa tiền tử đều 15g, Bạch truật, Trần bì, Bán hạ đều 12g, Quế chi 8g. Sắc uống.
Trường hợp khí hư nặng, gia Đảng sâm, Hoàng kỳ để ích khí hành thủy, suyễn nặng kết hợp thuốc tây Aminophyllin, chân lạnh, mạch vi, ra mồ hôi, dùng “Sâm phụ long mẫu thang” để hồi dương cứu nghịch.
3/ Đàm mê tâm khiếu, can phong nội động:
- Triệu chứng chủ yếu: Bệnh nhân bứt rứt không yên, co giật hoặc buồn ngủ lơ mơ, chất lưỡi khô đỏ thẫm, mạch tế sác.
- Phép trị: Hóa đờm khai khiếu, bình can tức phong.
- Bài thuốc: “Chí bảo đơn” (thành phẩm) ngày 1 viên, chia 2 lần uống. Hoặc “An cung ngưu hoàng hoàn” (thành phẩm) 1 viên uống. Thuốc thang dùng bài “Linh dương câu đằng thang gia giảm”. Sơn dương giác 40 - 80g (tán bột mịn thay Linh dương giác hòa uống), Xuyên bối mẫu 12g (gói tán bột hòa uống), Sinh địa tươi, Câu đằng, Phục thần đều 15g, Cúc hoa, Sinh bạch thược, Trúc nhự tươi đều 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống, Câu đằng cho sau.
C- GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI THUỐC KINH NGHIỆM:
1/ Phức phương ngư tinh thảo (Dương Như Lan, Tứ Xuyên).
- Công thức: Ngư tinh thảo 60g, Ngân hoa 60g, Thuyên thảo 20g, Đơn sâm 8g, chế thành dịch tiêm, mỗi ống 30 ml, cho vào dung dich5 Glucose 5% truyền tĩnh mạch. Người lớn mỗi ngày 1 lần, một liệu trình 10 - 15 ngày.
- Tác dụng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ, trị bệnh tâm phế mạn cấp diễn.
2/ Thanh phế thang (Trương Thành Đốc, bệnh viện Trương Gia Khẩu Hà Bắc).
- Công thức: Đông hoa, Hạnh nhân, Bách bộ, Cam thảo, Mạch đông, Tử uyển, Cát cánh đều 10g, Địa long, Đơn sâm, Xích thược đều 12g, Hoàng cầm, Bồ công anh, Tri mẫu đều 15g, Qua lâu 20g, sắc uống.
Một liệu trình 15 - 20 ngày.
- Tác dụng: Thanh phế hóa đàm, chỉ khái bình suyễn.
3/ Hoạt huyết thông lý thang (Lý Quốc Hiền, bệnh viện trực thuộc Học viện y học tỉnh Giang Tây).
- Công thức: Đại hoàng (cho sau 3 - 30g), Chỉ xác, Xuyên hậu phác, Triết bối đều 12g, Nga truật 10 - 30g, Địa miết trùng 10 - 15g, Cát cánh 6 - 12g, sắc nước uống.
- Biện chứng gia giảm: Sốt cao gia Ngân hoa 30g, Hoàng liên 4g, Hoàng cầm 12g, Tiêu sơn chi 12g, Mang tiêu (bột hòa uống) 12g. Nhiệt thịnh thương âm gia Sinh địa tươi 30g, Mạch môn, Huyền sâm, Thạch hộc tươi đều 30g, Thiên hoa phấn 15g. Đờm thịnh gia Trúc lịch, Bán hạ, Trần bì, Phục linh, Khương trúc nhự đều 12g, Chế đởm tinh 9g. Phù nhiều gia Phục linh bì, Đình lịch tử đều 30g, Xuyên tiêu 3 - 6g. Khí hư gia Bạch sâm 30g, chế Phụ tử 15g, Can khương 6g.
4/ Phò chính hóa đàm thang (Lý Đinh Liêm).
- Công thức: Hoàng kỳ, Xuyên khung, Đơn sâm đều 15g, Phục linh, Hoàng cầm, Trúc nhự đều 12g, Bạch truật, Phòng phong, Bán hạ, Đào nhân đều 9g, Hồng hoa 9g, Cam thảo 3g. Sắc uống.
- Trường hợp đàm nhiệt, gia các thuốc thanh nhiệt hóa đàm.
5/ Hoạt huyết lợi thủy thang (Tào Hưng Á).
Công thức: Kê huyết đằng, Phục linh, Trư linh, Trạch tả, Mộc thông, Xa tiền thảo đều 30g, Uất kim 18g, Hồng hoa, Sinh khương, Quế tâm đều 9g, Xích thược, Đơn sâm đều 15g, Phụ phiến 24g, Bạch truật 12g. Sắc uống.
6/ Bổ phế ích khí thang (Chương Ấu Linh).
- Công thức: Hoàng kỳ, Đảng sâm đều 200g, Bạch truật 150g, Phòng phong 30g, Tắc kè 5 đôi. Tất cả thuốc tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi hoàn 6g, uống sáng tối mỗi lần 1 hoàn. Mỗi năm dùng thuốc 3 tháng liên tục hoặc gián đoạn. Trường hợp mồm khô, họng nóng gia Sa sâm, Mạch môn, Ngân hoa mỗi thứ 9g.
- Tác dụng và chủ trị: Tư bổ phế thận, ích khí cố biểu. Chủ trị bệnh tâm phế mạn thời kỳ ổn định.
- Ghi chú: Trong quá trình điều trị, nếu có nhiễm khuẩn cấp tính hoặc có biến chứng khác phải ngưng thuốc. Bài thuốc đối với ho, đờm loãng, hoạt động khó thở, dễ mắc bệnh ngoại cảm, kết quả tốt, đối với thể bệnh mồm khô, lưỡi táo, đờm đặc, sốt chiều không kết quả.
7/ Điều trị lợi huyết thang (Đồ Bá Ngôn).
- Công thức: Hoàng kỳ, Đình lịch tử đều 15g, Tô tử, Xích thược, Xa tiền tử, Nhục thung dung đều 12g. Cát cánh 4,2g, Hạnh nhân 9g, Đởm tinh 9g (bao), bột Sâm tam thất (hòa uống) 3g, sắc uống. Một liệu trình 1 - 2 tháng.
- Gia giảm: Lưỡi đỏ thẫm, mồm khát, nhiều mồ hôi gia Mạch môn 12g, Ngũ vị tử 4,2g, Xuyên thạch hộc 12g, lưỡi răng chảy máu gia Đơn bì 9g, Ngưu tất 12g, Sinh bồ hoàng (bao) 9g, mạch kết đại gia Chích thảo 9g, trần A giao (hòa nóng uống) 9g.
8/ Phế tâm phương (Chu Tú Phong).
- Công thức: Thái tử sâm, Ngọc trúc, Bổ cốt chỉ, Đơn sâm, Xích thược đều 9g, Hoàng kỳ, Dâm dương hoắc, Hổ trượng đều 15g, Phụ phiến, Hồng hoa đều 6g, chế thành viên bọc đường, mỗi viên 0,3g, mỗi lần uống 6 viên, ngày 3 lần, 3 tháng là một liệu trình, uống liền 2 liệu trình.
- Ghi chú: Thực nghiệm chứng minh bài thuốc có tác dụng cải thiện chức năng tim phổi, nâng cao nồng độ oxy trong máu, giảm nồng độ carbonic, cải thiện tuần hoàn, nâng cao chức năng vỏ tuyến thượng thận. Đối với cá biệt bệnh nhân, thuốc gây khô mồm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét