Nhiễm mỡ xơ mạch là một bệnh mạn tính của động mạch kéo dài hàng chục năm, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 50 đến 70, dưới 20 tuổi cũng có thể bắt đầu phát hiện bệnh và sau 70 tuổi bệnh giảm dần. Bệnh lý chủ yếu là 2 quá trình thoái hóa và tăng sinh cùng diễn tiến ở thành mạch, làm cho thành mạch dày lên và xơ cứng, mất tính đàn hồi và hẹp lòng mạch, cản trở tuần hoàn. Nhiễm mỡ và xơ hóa thành mạch bắt nguồn từ sự rối loạn chuyển hóa mà chủ yếu là rối loạn chuyển hóa Lipid trong toàn cơ thể.
Bệnh không do một nguyên nhân duy nhất trực tiếp nào gây ra, mà là hậu quả của sự tác động nhiều yếu tố nguy cơ (rick factors). Qua nhiều công trình nghiên cứu nhiều năm, đa số tác giả đã nêu lên các yếu tố sau:
1- Tuổi cao, nam giới nhiều.
2- Trạng thái tăng Cholesterol và Lipoprotein trong máu.
3- Bệnh cao huyết áp.
4- Hút thuốc lá.
5- Bệnh đái tháo đường.
6- Chế độ ăn không hợp lý, lên cân quá nhiều.
7- Hệ thần kinh dễ xúc cảm, thường xuyên căng thẳng.
8- Ít vận động thể lực.
9- Yếu tố di truyền: có nhiều người mắc bệnh, đàn ông trẻ đã có nhiều yếu tố nguy cơ.
10- Rối loạn cân bằng giữa 2 hệ thống đông máu và chống đông.
11- Bệnh Goutte và trạng thái tăng acid uric máu.
12- Tiền sử cá nhân có bệnh nhược năng tuyến giáp, viêm cầu thận mạn.
Về cơ thể sinh bệnh là khá phức tạp, hiện có những lý giải như sau được chú ý:
- Cơ chế thâm nhập các Lipid từ trong máu vào thành động mạch xuyên qua các khoảng cách giữa các tế bào nội mạc hoặc có sự trao đổi xuyên qua màng tế bào nội mạc (đề xuất sớm nhất nhưng không đủ để giải thích nhiều điểm quan trọng trong bệnh sinh).
- Khả năng tự bảo vệ của lớp nội mạc giảm sút (do men tổng hợp Prostaglandine (PC 12) do tế bào nội mạc tiết ra giảm sút, men này có tác dụng ngăn chặn sự ngưng tập của tiểu cầu).
- Những thay đổi tăng giảm của các loại Lipoprotein trong máu như tăng Cholesterol, tăng Triglyceride, tăng các loại Lipoprotein gây xơ mỡ (LDL, VLDL), còn loại Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) có tác dụng bảo vệ cơ thể chống xơ mỡ thì giảm sút.
- Vai trò của gan chống xơ mỡ: gan tạo ra men Lecithine Cholesterol Acyl Transferase (LCAT). Men LCAT xúc tác sự vận chuyển của acid béo nhiều lần không no, đưa Cholesterol của các Lipoprotein gây bệnh về gan. Tại gan, Cholesterol được biến thành acid mật và thải ra ngoài. Acid béo nhiều lần không no có nhiều trong dầu thực vật (trừ dầu dừa) là tiền thân của Prostaglandine và tham gia vào phản ứng:
Cholesterol tự do + Lécethine Cholesterol ester-hóa + Lyso Lécithine
Qua đó men LCAT của gan kết hợp HDL góp phần thải Cholesterol, cho nên ăn dầu thực vật có tác dụng phòng bệnh nhiễm mỡ xơ mạch.
- Cơ chế tự miễn: Trong những điều kiện nhất định, các Lipoproteines có thể biến thành những tự kháng nguyên, cơ thể sẽ sinh ra những kháng thể đặc hiệu chống lại mà hình thành những phức hợp tự miễn có tác dụng gây bệnh do làm tổn thương nội mạc, xâm nhập vào thành động mạch và khởi động quá trình xơ mỡ động mạch (Chebotarev D.F, và cộng sự).
II- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG: Thường chia tiến triển bệnh làm 2 thời kỳ:
+ Thời kỳ tiền lâm sàng: Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các biến động trong các tham số hóa sinh nói lên trạng thái rối loạn chuyển hóa, chủ yếu là chuyển hóa Lipid (Hyperlipidémie, Dyslipoprotéinémie).
+ Thời kỳ lâm sàng: Thời này cũng có thể là thời kỳ biến chứng của bệnh. Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc cơ quan bị bệnh.
1/ Động mạch chủ ngực:
- Không có triệu chứng lâm sàng rõ.
- Chụp X quang phát hiện cung động mạch chủ to, đậm, quai động mạch chủ giãn rộng, phình to, có khi calci hóa.
- Khi tổn thương lan đến van động mạch chủ và động mạch vành tim thì có triệu chứng hở van động mạch chủ: tiếng thổi tâm trương ở liên sườn II trái, huyết áp chệnh lệch rộng.
2/ Động mạch vành tim:
Triệu chứng thiếu máu cục bộ: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc xơ cơ tim, biểu hiện suy tim không hồi phục, loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền.
3/ Động mạch não:
- Có thể là triệu chứng thoáng qua: liệt, mất ngôn ngữ, lú lẫn, quên ...
- Biến chứng trầm trọng hơn như nhũn não, xuất huyết màng não ...
4/ Động mạch chi:
Thường là chi dưới, cả 2 bên, biểu hiện thiếu máu lúc gắng sức, cơn đau cách hồi ... Cũng có trường hợp hoại tử chi (gặp ở người già).
5/ Động mạch chủ bụng:
- Thường không biểu hiện triệu chứng. Sờ bụng phát hiện động mạch to cứng, đập mạnh, ấn đau, ít gặp phình động mạch bụng.
- Có khi gây tắc động mạch ở ngã ba, gây thiếu máu chi dưới và liệt dương.
6/ Các động mạch màng treo ruột ở bụng: Gây hoại tử tại một đoạn ruột.
7/ Động mạch thận: Gây hẹp động mạch và biểu hiện là tăng huyết áp.
8/ Động mạch tụy tạng: Gây thiếu máu các đảo Langerhans biểu hiện hội chứng đái tháo đường.
Nói chung, động mạch nào trong cơ thể cũng có thể bị xơ mỡ, cho nên bệnh cảnh rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất là tim, não, thận, chi.
III- XÉT NGHIỆM:
Chủ yếu định lượng các chất mỡ trong huyết tương.
1/ Lipid toàn phần tăng cao.
2/ Cholesterol tăng.
3/ Điện di Lipoprotein: Trong bệnh nhiễm mỡ xơ mạch, bêta Lipoprotein (LDL) và tiền bêta Lipoprotein (VLDL) tăng, còn alpha Lipoprotein (HDL) giảm, nên tỷ lệ giữa: LDL/HDL lớn hơn 3.
4/ Thử nghiệm Burstein: Định lượng nồng độ LDL trong huyết thanh tăng.
5/ Các xét nghiệm khác: Phospholipide, Triglyceride đều tăng trong xơ mỡ động mạch.
IV- PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ:
Đối với bệnh nhiễm mỡ xơ mạch, phòng bệnh là cực kỳ quan trọng, vì khi đã mắc bệnh thì khả năng của điều trị rất hạn chế. Việc phòng bệnh cần thực hiện phải từ lúc còn trẻ và suốt cuộc đời, chủ yếu là loại trừ các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất là:
1/ Chế độ ăn đủ đạm và rau xanh, trái cây chín tươi:
Đó là nguồn cung cấp Vitamin, ion K, Mg, các chất anti-oxydants, các sợi cơ. Cần quan tâm đến Vitamin E là một chất anti-oxydant liên quan đến phòng xơ mỡ, Vitamin làm biến đổi thành phần cấu tạo các Lipoprotein trong máu theo chiều hướng có lợi cho cơ thể, tăng trữ lượng HDL và Apolipoprotein A, giảm Apolipoprotein B.
Thiếu Vitamin E có thể gây thoái hóa tế bào thần kinh, gây tổn thương nhu mô gan, các cơ vân cơ tim bị thoái hóa, các mao mạch dễ vỡ, độ thẩm thấu tăng. Vitamin E có nhiều trong thức ăn thảo mộc và trong các loại dầu như dầu mộng lúa mì, dầu hướng dương, dầu bắp, dầu đậu phộng, đậu nành ... Chất xơ ngoài tác dụng chống táo bón, tác dụng quan trọng chống xơ mỡ là giữ Cholesterol lại trong ống tiêu hóa, làm hạ Cholesterol tự do trong máu, làm giảm nồng độ Lipoprotein nhóm LDL, VLDL, Triglyceride trong máu. Hạn chế chất béo động vật có nhiều Cholesterol như mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, thay bằng dầu thực vật, người trên 40 - 50 tuổi nên ăn hoàn toàn dầu thực vật (trừ dầu dừa) có hàm lượng cao về chất béo nhiều lần không no. Người mập không nên ăn nhiều đường, bữa cơm tối không nên ăn quá nhiều (dễ tăng cân).
2/ Thực hiện chế độ tập luyện thể lực thường xuyên:
Tự xoa bóp cơ bắp, tập dưỡng sinh, khí công hoặc thái cực quyền thường xuyên, đi bộ mỗi ngày với mức độ phù hợp với sức khỏe của mỗi người, đối với người lao động trí óc.
3/ Mỗi người xây dựng cho mình một nếp sống thoải mái:
Không để tinh thần căng thẳng, thực hiện được 4 không: Không lo nghĩ nhiều, Không buồn phiền, Không tức giận, Không sợ hãi. Đây là "Tam pháp bảo" (3 phép quý) để phòng và chữa bệnh nhiễm mỡ xơ mạch mà không có vị thuốc nào thay thế được, mỗi người phải biết sử dụng tốt để phòng bệnh và tự chữa bệnh cho mình.
4/ Sử dụng thuốc trong điều trị bệnh nhiễm mỡ xơ mạch không phải là chủ yếu. Nên tùy tình hình cụ thể mà chọn thuốc dùng với các mục đích sau:
- Làm giảm Cholesterol huyết:
Clofibrate (Etylat - clophenoxy - isobutyrat) viên 0,25 g x 4 - 6 viên/ngày.
Hyposterol (Phényl - ethyl - acelamit) viên 0,04 g, uống 24 viên mỗi ngày.
- Cải thiện chuyển hóa ở thành động mạch, ổn định các tổn thương tại thành mạch: Anginin còn gọi là Pyridinol cacbamat, viên 0,25 g, uống 3 - 6 viên/ngày.
- Ngoài ra dùng thuốc điều trị các bệnh cao huyết áp, tiểu đường nếu có, dùng vitamin E, viên bọc đường 10, 15 và 100 mg, ống tiêm 1 ml có 30 - 100 mg. Người lớn ngày uống 10 - 15 mg, hoặc 1 tuần uống 1 - 2 lần, mỗi lần 50 - 100 mg hoặc tiêm bắp 30 - 60 mg/tuần. Dùng các loại vitamin khác như vitamin B1, C, P, U ...
- Dùng thuốc Đông y theo biện chứng luận trị hoặc dùng các vị thuốc hoặc bài thuốc nam có tác dụng hạ Cholesterol, Triglyceride, LDL như:
* Các vị thuốc hạ mỡ có: Hà thủ ô, Sơn tra, Linh chi, Tỏi, Đơn sâm, Tang ký sinh, Hoàng tinh, Sâm tam thất, Bồ hoàng, Trạch tả ...
* Bài thuốc hạ mỡ có:
Cao lỏng hạ mỡ gồm Hà diệp thủ ô, Sơn tra, Thảo quyết minh, Tang ký sinh, Uất kim.
Bạch kim hoàn (Giang Tây): Bạch phàn, Uất kim, mỗi lần 6 g, ngày 3 lần, uống liền 40 - 60 ngày, có tác dụng làm giảm béo.
Phức phương Sơn tra (Sơn tra 30g, Lục trà 60g, Hà diệp 10g, Hoa tiêu 0,3g). Viên Hà thủ ô (Hà thủ ô 25g, Ngũ vị tử 10g, Đơn sâm 15, Hoàng liên 0,5g). Phức phương Linh chi (Linh chi, Tang ký sinh, Hương phụ). Quyết minh tử hợp tễ (Quyết minh tử 15g, Trạch tả 10g, Sơn tra 10g). Hoàng tinh tiễn (Hoàng tinh, Sơn tra sống, Tang ký sinh) ...
Hiện nay dược lý trị liệu bệnh nhiễm mỡ xơ mạch đang phát triển mạnh về Tây y cũng như Đông y, nhưng đối với bệnh nhiễm mỡ xơ mạch dùng thuốc rất tốn kém (vì dùng lâu dài) mà không cơ bản, phép phòng và chữa bệnh tốt nhất vẫn là "Tam pháp bảo" như đã giới thiệu trên đây, vấn đề chủ yếu là mỗi người phải có nghị lực và kiên trì thường xuyên.
V- BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ BỆNH NHIỄM MỠ XƠ MẠCH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN.
Như đã nói trên, bệnh nhiễm mỡ xơ mạch là một bệnh toàn thân, gây tổn thương bệnh lý động mạch ở nhiều bộ phận và cơ quan khác nhau của cơ thể, phần này chỉ giới thiệu về điều trị bằng Đông y hai chứng thường gặp là: Xơ cứng động mạch não và xơ cứng động mạch vành.
A- Xơ cứng động mạch não:
Các thể bệnh thường gặp và điều trị như sau:
1/ Can thận âm hư, Can phong thịnh (thể bệnh thường gặp nhất):
- Triệu chứng: Thường ngày bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, váng đầu, ù tai, họng khô, bứt rứt, ngủ hay nằm mộng, lưng gối nhức mỏi, chất lưỡi đỏ khô, mạch huyền tế sác. Trường hợp nặng, chóng mặt gia tăng, đầu đau giật hoặc đau tức khó chịu, chân tay tê hoặc run giật, bước đi không vững có khi ngã quỵ, liệt nửa người, mất ngôn ngữ ...
- Phép trị: Tư âm tiềm dương, bình can tức phong.
- Bài thuốc: "Thiên ma câu đằng ẩm hợp Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm". Thiên ma 8 - 12g, Câu đằng 12 - 16g, Hà thủ ô (đỏ) 12 - 20g, Câu kỷ tử 12 - 20g, Bạch thược 12 - 20g, Quy bản 16 - 20g (đập vụn, sắc trước), Tang diệp 12g, Cúc hoa 12g, Bạch tật lê 12g, Trân châu mẫu (bột mịn, hòa thuốc) 0,1 - 0,5g, Thạch quyết minh, Sinh Mẫu lệ 16 - 24g (sắc trước) sắc uống ngày 1 thang. Trường hợp phong dương thịnh, đau đầu, chóng mặt, run giật nhiều, gia thêm bột Linh dương giác 1 - 3g (hòa thuốc uống) (trường hợp không có, dùng bột Sừng trâu 20g). Nếu hôn mê liệt nửa người, xử trí như tai biến mạch máu não (xem bài Tai biến mạch máu não).
2/ Đàm trở huyết ứ:
- Triệu chứng: Bệnh nhân váng đầu, chóng mặt, đau đầu nặng không di chuyển, đầu đau như bị bó chặt, ngực tức, buồn nôn, tinh thần lạnh nhạt, tai ù tai điếc, có lúc nói khó, nhẹ thì đần động hay quên, nặng thì trầm cảm ít nói hoặc giận tức thất thường, chất lưỡi xạm, rêu trắng nhớt, mạch huyền hoạt.
- Phép trị: Hóa đàm khai khiếu, hoạt huyết hóa ứ.
- Bài thuốc: "Đạo đàm thang hợp Huyết phủ trục ứ thang gia giảm". Bán hạ chế 8 - 12g, Bạch truật 12 - 20g, Thiên ma 8 - 20g, Phục linh 12 - 20g, Trạch tả 12 - 16g, Viễn chí 6 - 10g, Thạch xương bồ 12 - 16g, Quất hồng 8 - 10g, Đơn sâm 12 - 20g, sắc uống ngày 1 thang. Trường hợp đàm ứ hóa nhiệt, mồm đắng, rêu vàng nhớt, gia Hoàng liên, Hoàng cầm. Táo bón gia Đại hoàng, Đào nhân. Khí hư ngắn hơi, mệt nhiều gia Nhân sâm, Hoàng kỳ.
3/ Khí huyết lưỡng hư:
- Triệu chứng: Váng đầu, chóng mặt, hồi hộp hay quên, ít ngủ, mộng nhiều, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn kém, bụng đầy dễ tiêu chảy, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế hoặc tế sác.
- Phép trị: Ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông mạch.
- Bài thuốc: " Quy tỳ thang gia giảm". Nhân sâm (gói sắc riêng) 6 - 8g (nếu không có thay Đảng sâm 12 - 16g), Hoàng kỳ 16 - 30g, Đương quy 12 - 20g, Bạch truật 12 - 20g, Bạch thược 12 - 20g, Phục linh 12 - 16g, Long nhãn nhục 12g, Chế thủ ô đỏ 12 - 20g, A giao 8 - 12g, Xuyên khung 8 - 12g, Đơn sâm 12 - 16g, Sơn tra 6 - 10g sắc uống.
4/ Thận dương bất túc:
- Triệu chứng: Váng đầu, ù tai, chân tay lạnh, sợ lạnh, lưng gối nhức mỏi, hoặc mặt và chân tay phù, hay quên, đần độn, tiểu trong, đêm tiểu nhiều, thân lưỡi bệu, mạch trầm trì tế nhược.
- Phép trị: Ích thận ôn dương.
- Bài thuốc: "Địa hoàng ẩm tử gia giảm". Ba kích thiên, Thỏ ty tử, Ích trí nhân mỗi thứ 12g, Nhục thung dung 12g, Tiên linh tỳ (Dâm dương hoắc) 10 - 12g, Thục địa 16 - 20g, Lộc giác giao 8 - 16g (hòa uống), Câu kỷ tử 10 - 16g, Thạch hộc 12 - 16g, Phục linh 12 - 20g, Sơn tra 8 - 12g, sắc uống.
Theo kinh nghiệm lâm sàng chữa bệnh xơ cứng mạch não thì tuy chia nhiều thể như trên nhưng bệnh lý thường là thác tạp, nên trong điều trị chú ý bổ với tả, trong "bổ" cần coi trọng bổ khí và trong "tả" cần coi trọng hoạt huyết thông mạch.
B- Xơ cứng động mạch vành:
Các thể bệnh thường gặp và điều trị như sau:
1/ Tâm khí âm lưỡng hư (thường gặp vào thời kỳ đầu):
- Triệu chứng: Ngực hoặc vùng thượng vị đầy tức, ngắn hơi hồi hộp, mệt mỏi, vận động mệt tăng thêm, mồm khô, bứt rứt, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng, ít tân dịch, mạch huyền tế hoặc tế sác.
- Phép trị: Ích khí dưỡng âm, bổ Tâm hoạt huyết.
- Bài thuốc: "Sinh mạch tán hợp Chích cam thảo thang gia giảm". Nhân sâm 8g, Mạch môn 12 - 16g, Sinh địa 12 - 16g, Ngũ vị tử 6 - 8g, Quế chi 4 - 8g, Đơn sâm 12 - 16g, Đương quy 12 - 16g, Sơn tra 6 - 8g, Chích cam thảo 4 - 6g, sắc uống ngày 1 thang.
Gia giảm: Hơi thở ngắn, mệt nhiều gia Hoàng kỳ 16 - 30g. Mất ngủ nhiều gia Toan Táo nhân (sao) 16 - 20g, Viễn chí 4 - 6g, Hoàng liên 4 - 6g. Ngực đau nhiều gia Toàn qua lâu 12g, Uất kim 8 - 12g, Thanh bì 6 - 8g, sâm Tam thất (bột mịn, hòa uống) 2 - 4g.
2/ Huyết ứ đàm trở:
- Triệu chứng: Nặng ngực, đau tức như dao đâm, khó thở, chất lưỡi tím thâm, mạch huyền hoặc kết đại, hoặc rêu lưỡi dày nhớt, mạch hoạt.
- Phép trị: Lý khí hoạt huyết, hóa đàm.
- Bài thuốc: "Huyết phủ trục ứ thang hợp Qua lâu phỉ bạch bán hạ thang". Đương quy 12 - 16g, Xích thược 12g, Xuyên khung 8 - 10g, Đơn sâm 12 - 16g, Hồng hoa 10 - 12g, Uất kim 8 - 12g, Toàn qua lâu 8 - 12g, Phỉ bạch 8 - 12g, Thanh bì 8 - 10g, Phục linh 12 - 16g, Trần bì 8 - 10g, Chỉ xác 8 - 10g, Bán hạ chế 8 - 10g. Sắc uống.
3/ Tâm thận dương hư: (thường vào thời kỳ cuối và thể nặng)
- Triệu chứng: Đau thắt ngực, khó thở, tim hồi hộp, ra mồ hôi (tự hãn), chân tay lạnh, sợ lạnh, thân lưỡi nhạt, bệu, mạch trầm tế hoặc kết đại. Nặng có thể hôn mê.
- Phép trị: Bổ tâm, ôn thận, ích khí trợ dương.
- Bài thuốc: " Sâm phụ thang hợp Sinh mạch tán gia giảm". Nhân sâm 6 - 10g, Phụ tử chế 8 - 12g (sắc trước), Mạch môn 12 - 16g, Ngũ vị tử 6g, Quế chi 6 - 10g, Sinh long cốt 12 - 20g, Sinh mẫu lệ 12 - 20g. Sắc uống.
Xơ cứng động mạch vành thời kỳ đầu có thể không có triệu chứng rõ rệt, biện pháp chủ yếu điều trị theo y học cổ truyền là tùy thể bệnh mà bổ tâm khí, dưỡng tâm âm hoặc hoạt huyết hóa đàm. Những trường hợp bệnh phát triển, cơn đau thắt ngực nặng, cần điều trị theo chứng đau thắt ngực và cần kết hợp chặt chẽ với phương pháp điều trị bằng y học hiện đại (xem bài đau thắt ngực).
BS CKI. ĐOÀN THỊ BĂNG LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét