Các bệnh về cơ tuy hiếm gặp so với các bệnh nội khoa khác, nhưng cũng không phải là hoàn toàn không gặp trong lâm sàng. Thực tế ở Việt Nam, hầu hết các bệnh về cơ đã được gặp với một số lượng không phải là ít. Nhưng cũng vì do không được chú ý đến nên hay nhầm với các bệnh về thần kinh (bệnh nhược cơ, liệt chu kỳ) hoặc bị bỏ qua. Mặt khác những biểu hiện về cơ cũng hay gặp trong một số bệnh của bộ máy khác; giảm cơ lực, trong suy tuyến thượng thận, trong liệt… do đó quá trình thăm khám cơ là cần thiết không thể bỏ qua khi thăm khám người bệnh nói chung.
THĂM KHÁM LÂM SÀNG.I. TRIỆU CHỨNG CHỨC NĂNG.
Thường nghèo nàn, chĩ có giá trị gợi ý cho thăm khám thực thể.

1. Yếu cơ: người bệnh tự cảm thấy vận động yếu, dấu hiệu yếu cơ sẽ thể hiện tuỳ theo vị trí tổn thương: ở chi dưới, làm cho đi lại kém; ở chi trên làm giảm khả năng mang, vác… nhưng thường là toàn thân, gây giảm mọi động tác.

2. Đau cơ: những bệnh của cơ ít gây đau, trừ bệnh viêm cơ. Đau cơ hay gặp trong các bệnh thần kinh hay toàn thân.

3. Chuột rút: là hiện tượng co cứng và đau một cơ hay một nhóm cơ. Là triệu chứng không phải ở cơ, như thiếu Ca, Na, làm việc quá sức và kéo dài.


II. TRIỆU CHỨNG THỰC THỂ.
Teo cơ: teo cơ là triệu chứng hay gặp trong các bệnh cơ, nhưng những bệnh khác cũng có thể gây teo cơ liệt thần kinh vận động ngoại biên, bất động quá lâu…

Thăm khám bằng cách quan sát, chú ý các vùng cơ nổi rõ như cơ denta ở vai, cơ mông, cơ cẳng chân sau, cơ ở bàn tay…khi teo, ta thấy những phần cơ đó xẹp lõm xuống. Tốt nhất là dùng thước đo so sánh hai bên, so sánh với sự cân đối của toàn thân và so sánh với người bình thường. Cũng có khi teo cơ nhưng lại thể hiện ra ngoài bằng hiện tượng phì đại, đó là trường hợp teo cơ kèm theo rối loạn tổ chức liên kết và mỡ gây nên triệu chứng giả phì đại, (bệnh cơ teo giả phì đại hay bệnh Thomsen).

Teo cơ trong các bệnh cơ, nói chung là cả hai bên và đối xứng, có thể toàn thân cũng có thể chỉ ở vùng như mặt, thắt lưng. Teo cơ do các bệnh cơ, bệnh teo cơ Duchenne, bệnh Landouzy, bệnh Steiner: không có hiện tượng run các thớ cơ, ngược lại teo cơ do tổn thương thần kinh (liệt thần kinh ngoại biên, bệnh bại liệt) thường cóhiện tượng này (xem bảng so sánh).

Giảm cơ lực. Trong phần lớn các bệnh cơ, có teo cơ, thường có giảm cơ lực. Nói chung, hiện tượng giảm cơ lực là đồng đều ở mỗi lần làm động tác nhưng có một thể đặc biệt là giảm dần qua mỗi lần làm động tác, thí dụ như trong bệnh nhược cơ, người bệnh làm động tác lần đầu có thể mạnh như bình thường nhưng lần thứ hai giảm nhiều, lần ba càng giảm đến một vài lần tiếp theo thì không làm được nữa (chóng mỏi), hiện tượng này còn gặp trong bệnh suy vỏ thượng thận (Addison).

Thăm khám cơ lực, ta có thể quan sát các động tác của người bệnh khi đi lại, mang, vác, nằm, ngồi, làm nghiệm pháp chống đối hoặc sử dụng các dụng cụ đo cơ lực. Ta sẽ khám từng cơ, từng vùng, từng nhóm cơ, từng đoạn. Sau đó chia làm nhiều mức độ.

- Cơ lực mất hoàn toàn.

- Nặng: khi có thể cử động nhẹ nhưng không làm được động tác.

- Vừa: làm được động tác nhưng yếu.

- Nhẹ: làm động tác nhưng không kéo dài được…

Hiện tượng giảm cơ lực có thể toàn thân, có thể từng vùng: nếu ở từng vùng, nên gây những thay đổi, những rối loạn về vận động, biểu hiện nét mặt…

- Giảm cơ lực vùng chậu đùi: người bệnh đi khó khăn, nghiêng về từng bên khi đặt chân, bước lên bậc cao khó và chậm, ngồi xuống không bình thường mà để rơi xuống ghế, đang ngồi đứng dậy phải chống cả hai tay.

- Giảm cơ lực vùng chậu đùi và thắt lưng: với tư thế nằm ngửa muốn đứng lên phải quay nghiêng, chống cả hai tay xuống giường, rồi chống lần lượt vào cẳng chân, gối và đùi mới ngồi lên được.

- Giảm cơ lực vùng lưng, vai ảnh hưởng đến các động tác của cánh tay: chải đầu, mặc áo.

- Giảm cơ lực vùng bàn tay: cầm nắm kém, có thể cụ thể hoá bằng cách dùng lực kế để đo sức bóp của bàn tay, so sánh với bên kia, so sánh giữa các lần bóp và so sánh với ngường thường (cơ lực bàn tay của người Việt Nam bình thường: Nam = 34kg, Nữ = 20kg).

- Giảm cơ lực các cơ quanh cột sống, làm thay đổi độ cong của cột sống (ưỡn, gù, vẹo).

- Giảm cơ lực ở mặt và mắt: gây sụp mi, nét mặt không thay đổi, khi nói, cười, nhai khó.

- Giảm cơ lực các cơ ở nội tạng: ở hầu, thực quản, gây nuốt khó.

Mật độ của cơ: bình thường cơ chắc và chun. Cơ có thể mềm nhẽo do các thớ cơ lỏng, hoặc rắn, cứng, do xơ hoặc viêm (giả phì đại).

Co rút cơ: hiện tượng này có thể kèm theo teo cơ, làm giới hạn vận động và gây biến dạng khớp vĩnh viễn. Tổn thương cơ cẳng chân có thể gây duỗi bàn chân liên tục: bàn chân ngựa.

Khám phản xạ cơ: bình thường khi dùng búa phản xạ gõ vào thân cơ ta thấy cơ co nhẹ, đôi khi gây một động tác nhỏ, đó là phản xạ cơ hay phản xạ tự cơ. Trong các bệnh cơ có teo cơ, phản xạ ở vùng teo giảm và mất nhưng phản xạ gân xương vẫn còn.

Ngược lại trong teo cơ tổn thương thần kinh, phản xạ cơ tồn tại khá lâu trong khi phản xạ gân xương thay đổi rất sớm.

Hiện tượng rút co cơ: trong một số bệnh cơ, nhất là trong teo cơ lan rộng, khi ta gõ phản xạ có thể gây nên hiện tượng một số sợi cơ co nhanh và khu trú tạo nên một u nổi lên, tồn tại trong vài dây ta gọi là nút co cơ.

Hiện tượng cứng cơ (myotone). Là hiện tượng đặc biệt của một số bệnh có teo cơ (Steiner). Giãn cơ khó và chậm sau khi co, khác với chuột rút là chỉ xuất hiện sau khi co và không đau, cứng cơ có thể toàn thân với mọi động tác, nhưng thường khu trú nhất ở bàn tay như bình thường nhưng khi mở ra thì khó và chậm.

- Hiện tượng cứng cơ có thể mất đi sau khi làm nhiều lân, nhưng lại thể hiện kh làm động tác mới sau một thời gian nghỉ.

- Về mức độ: với những động tác nhẹ (viết chữ ) không biểu hiện, mà chỉ thấy khi làm động tác mạnh hơn (nắm chặ).

- Cứng cơ còn thể hiện khi ta kích thích: thí dụ khi gõ vào mô cái bàn tay, các ngón khép vào nhanh nhưng khi giãn ra ở vị trí cũ rất chậm và từ từ

CÁC PHƯƠNG PHÁP THĂM DÒ CẬN LÂM SÀNG.
I. SINH HOÁ
1. Thay đổi một số chất. Các bệnh về cơ sở có teo cơ thường có hiện tượng tăng creatin niệu (bình thường 100 mg/ 24 giờ) và giảm creatinin niệu (bình thường 15 -25 mg/kg/24 giờ).

Myoglobin niệu (+) trong một số bệnh cơ và chấn thương giập nát nhiều cơ.

2. Các men trong máu: như andolaza, transaminaza, photpho hexoiso,eraza acticodehydraza, creatinkinaza… thường tăng trong các bệnh cơ có teo cơ, ngược lại không tăng khi teo cơ do tổn thương thần kinh.

II. SINH THIẾT.
Để chẩn đoán một số bệnh cơ, người ta tiến hành sinh thiết để nhân định về giải phẫu bệnh học. Có thể dùng kim chọc qua da vào cơ, nhưng mở lớp cơ cắt một mẩu cơ thì chính xác hơn.

Những thay đổi về Giải phẫu bệnh học giúp cho chẩn đoán rất tốt và đặc hiệu, thí dụ bệnh nhược cơ, thấy thâm nhập nhiều lâm ba cầu, tạo thành từng đám giữa các thớ cơ, bệnh viêm cơ thấy tổ chức viêm…

III. THĂM DÒ VỀ ĐIỆN.
Những thăm dò về điện trong bệnh cơ có một giá trị chẩn đoán tốt, ta chia ra làm hai loại thăm dò:

1. Thăm dò phản ứng điện. Bằng cách dùng các dòng điện xoay chiều, kích thích trực tiếp lên cơ hoặc kích thích trên các dây thần kinh chi phối cơ, sau đó ghi lại những phản ứng kích thích, tính cửờng độ cơ sở (rhéobase) và thời trị (chronaxie). Nói chung các phản ứng điện thay đổi nhiều trong teo cơ do tổn thương thần kinh vận động (phản ứng chậm). Riêng trong bệnh nhược cơ, khi kích thích nhiều lần thì cơ trả lời chậm dần, biên độ thấp dần rồi ngưng hẳn không trả lời.

2. Điện cơ đồ: giống như nguyên tắc của điện tâm đồ, khi cơ hoạt động do hiện tượng khử cực và tái cực, sẽ sinh ra một thay đổi về diện, bằng cách chọc kim trực tiếp vào cơ, ta có thể ghi lại những thay đổi điện đó sau khi đã phóng đại lên nhiều lần và chuyển thành những tín hiệu bằng quang học và âm thanh, ta được những kết quả có thễ ghi lại trên màn huỳnh quang và trên giấy ghi để nhân định, so sánh. Đó là nguyên tắc chính của phương pháp ghi điện cơ (hình 16).



Như vậy bằng cách dựa vào những thay đổi của điện cơ, ta thăm dò:

- Thần kinh ngoại biên chi phối cơ (liệt).

- Khoảng nối liền thần kinh và cơ ( bệnh nhược cơ).

- Bản thân cơ (bệnh cơ).

2.1. Bình thường: ta nhận định ba trạng thái của cơ được thăm dò.

o Khi nghỉ ngơi không hoạt động: không có điện, đường ghi chạy thẳng.

o Khi hoạt động nhẹ: đường ghi xuất hiện những làn sóng, mỗi làn sóng là một đơn vị co bóp, thường là một pha hoặc hai pha, rất ít khi nhiều pha.

Biên độ của mỗi sóng thường từ 300 microvôn đến 2 milivôn, độ dài của mỗi sóng không quá 8 phần nghìn giây, tần số từ 16 đến 25 sóng trong một giây.

o Khi hoạt động mạnh: nói chung, đường ghi cũng như trên, nhưng tần số biên độ tăng lên khi hoạt động nhẹ.
2.2. Một số thay đổi bệnh lý:

o Teo cơ do bệnh cơ: tần số rất tăng, biên độ giảm, song có nhiều pha. Ngay cả khi nghỉ ngơi cũng xuất hiện sóng từng đợt.

o Viêm cơ: sóng đa dạng, tăng tần số.

o Nhược cơ: khi hoạt động, nhiều lần thấy sóng có biên độ và tần số giảm dần rồi cuối cùng không còn nữa.
BY HIEPSIBONGDEM
NGUỒN : DIENDANYKHOA.COM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét