|
Nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ cao |
Phơi nhiễm với HIV là tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch cơ thể có nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV. Hiện nay, không chỉ những người trực tiếp chăm sóc, điều trị, chữa bệnh hay có công việc liên quan đến những người có HIV mới có nguy cơ phơi nhiễm HIV mà bất cứ người dân nào cũng có nguy cơ này. Mới đây, Khoa Tư vấn, Chăm sóc và Điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ tiếp một phụ nữ trung niên ở quận Ninh Kiều trong trạng thái tinh thần hoang mang. Giọng nói run run, chị kể: “Tôi đang ngồi trong nhà thì bị một đối tượng dùng bơm kim tiêm đâm vào tay. Tôi hoảng quá, chỉ biết rửa bằng nước rồi dán băng keo và đi liền đến Trung tâm”. Sau khi được cán bộ của Khoa Tư vấn, Chăm sóc và Điều trị tư vấn và cấp thuốc điều trị dự phòng 3 ngày, rồi kê toa cho chị mua thuốc uống, chị mới bớt lo lắng. Một tháng sau, chị được xét nghiệm HIV và xét nghiệm kiểm tra 2 lần nữa (lúc 3 tháng và 6 tháng). Kết quả âm tính với HIV làm chị thở phào nhẹ nhõm. Cách đây vài tháng, một học sinh tiểu học đi học, đạp phải kim tiêm. Do sinh sống ở khu vực có nhiều đối tượng tiêm chích ma túy nên gia đình rất lo lắng, đã đưa em đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ để được hướng dẫn xử trí. Sau khi tư vấn, Trung tâm đã chuyển em sang Phòng khám Ngoại trú Nhi, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tiếp tục theo dõi và điều trị về phơi nhiễm với HIV/AIDS. Sau quá trình điều trị, kết quả xét nghiệm của em âm tính với HIV. Mẹ em vui mừng cho biết: “Tôi chỉ có một mình nó. Mấy tháng nay, cả nhà mất ăn mất ngủ. Nhiều bữa ăn, bưng chén cơm lên mà nước mắt tôi cứ chực trào ra. Tôi ráng nén lòng, bình tĩnh để con không biết. Tuy được các bác sĩ tư vấn, điều trị tận tình nhưng mình không tránh khỏi hoang mang, lo lắng... May mắn là nó không bị nhiễm bệnh”. Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm đã điều trị phơi nhiễm HIV cho 51 trường hợp bị tai nạn trong khi thi hành nhiệm vụ và 42 người bị tai nạn sinh hoạt. Trong các trường hợp phơi nhiễm HIV, phổ biến là bị kim tiêm đâm, đạp kim tiêm, rách bao cao su trong khi quan hệ tình dục... thỉnh thoảng cũng có vài trường hợp bị chảy máu khi đi nhổ răng, do nghi ngờ phòng nha không tiệt khuẩn dụng cụ theo qui định, cũng tìm đến Trung tâm để được tư vấn và điều trị. Anh Ngô Minh Khôi, cán bộ phụ trách điều trị phơi nhiễm, Khoa Tư vấn, Chăm sóc và Điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: “Phụ trách công tác này từ năm 2006 đến nay, tôi đã trực tiếp tư vấn, điều trị cho hàng trăm trường hợp phơi nhiễm HIV. Tất cả các trường hợp sau khi điều trị, đều có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV”. Hiện nay, theo qui định, các trường hợp phơi nhiễm trong khi thi hành nhiệm vụ, như: công an, cán bộ y tế, dân phòng, an ninh xung kích, sinh viên ngành y thực tập, đều được tư vấn, xét nghiệm và cấp thuốc điều trị miễn phí. Với các tai nạn dẫn đến phơi nhiễm HIV trong sinh hoạt, người dân sẽ được tư vấn, xét nghiệm miễn phí và kê toa để tự mua thuốc uống. Có nhiều trường hợp bị tai nạn buổi tối, đã hết giờ làm việc nhưng khi nhận được tin báo, cán bộ Trung tâm cũng lập tức đến tư vấn. Anh Ngô Minh Khôi cho biết: “Phần lớn bệnh nhân đến đây đều trong tâm trạng hoang mang lo lắng, một số gần như hoảng loạn nên chúng tôi phải có mặt ngay để kịp thời giải thích, trấn an bệnh nhân. Nguyên tắc của điều trị phơi nhiễm HIV là bệnh nhân càng đến sớm càng tốt, tốt nhất là sau khi bị phơi nhiễm từ 2-6 giờ và không nên đến muộn sau 72 giờ”.
Một người vì lý do nào đó có tiếp xúc với máu, dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HIV… thì có thể được coi là bị phơi nhiễm HIV. Khi bị kim chích đâm vào tay, máu dính vào da hay văng vào mắt, điều đầu tiên cần phải làm ngay là tìm mọi cách rửa sạch nơi vết thương, vết máu dính. Người bị tai nạn nên vặn nước xối trực tiếp lên vết thương, để vết thương chảy máu tự nhiên một thời gian ngắn, rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn 70 độ) trong thời gian ít nhất 5 phút. Tiếp đó, liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện, thành phố để được xét nghiệm và cấp thuốc dự phòng ARV cấp cứu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, tùy vào kết quả mà Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ có hướng tư vấn, điều trị cho người bị tai nạn. Trong điều trị phơi nhiễm, không phân biệt địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành. NGÔ MINH KHÔI
Cán bộ khoa Tư vấn, Chăm sóc và điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS |
Những năm gần đây, theo ước tính, mỗi năm người dân và cán bộ tìm đến với Trung tâm để điều trị phơi nhiễm HIV tăng từ 5-10%. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa nắm được thông tin về điều trị phơi nhiễm HIV. Trong các cuộc tuyên truyền về phòng chống HIV ở Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Cần Thơ và một số xã, phường mới đây, rất nhiều bạn sinh viên và người dân chưa nắm được thông tin về xử lý ban đầu và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. Không chỉ thế, một bộ phận những người làm công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cũng chưa hiểu biết rõ về phơi nhiễm với HIV nên trả lời những thắc mắc của người dân chưa đúng gây tâm lý hoang mang, sợ hãi cho bà con. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần tăng cường cung cấp thông tin về điều trị dự phòng chống phơi nhiễm đến những người làm công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, nhất là ở tuyến cơ sở và đông đảo nhân dân để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét