VAI TRÒ CỦA CÁC BIỆN PHÁP KHÔNG DÙNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH XƯƠNG - KHỚP?
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm: giáo dục sức khỏe, tập luyện (thể chất, tinh thần), ăn uống, sinh hoạt. Trong điều trị các bệnh xương khớp mạn tính các biện pháp điều trị không dùng thuốc luôn luôn được coi trọng và cần phối hợp chặt chẽ với các điều trị bằng thuốc. Các biện pháp này động viên được tính chủ động và tích cực của bản thân mỗi người bệnh, góp phần làm tăng hiệu quả điều trị, làm giảm tối đa các tổn thương thực thể ở xương và khớp, bảo vệ được chức năng vận động của khớp, bảo vệ sức khỏe chung đồng thời bảo đảm cho người bệnh một cuộc sống tâm-sinh lý bình thường, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Các biện pháp không dùng thuốc luôn luôn được xếp trong mục điều trị hỗ trợ, có vai trò quan trọng, không thể thiếu được trong điều trị các bệnh xương-khớp.
● Điều trị triệu chứng nhằm làm giảm đau, giảm sưng và cải thiện vận động của khớp
● Điều trị bệnh nhằm làm ngưng hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.
● Điều trị hỗ trợ nhằm cải thiện vận động của khớp, chống teo cơ, cứng khớp, loãng xương, duy trì và bảo vệ chức năng của khớp, sửa chữa các di chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và hỗ trợ cho các thuốc điều trị.
● Điều trị các biến chứng của các thuốc điều trị.
Các điều trị này luôn luôn cần thiết, không thể thay thế cho nhau và không thể tách rời nhau. Điều trị triệu chứng, Điều trị bệnh và Điều trị các biến chứng của điều trị chủ yều dựa vào thuốc còn Điều trị hỗ trợ chủ yếu dựa vào các biện pháp không dùng thuốc. Giải quyết đầy đủ các mục tiêu nêu trên là cách điều trị toàn diện, góp phần tạo nên kết quả của điều trị, giúp người bệnh duy trì một cuộc sống bình thường, không bị tách biệt khỏi gia đình và xã hội.
Sau đây là những biện pháp điều trị không dùng thuốc cơ bản áp dụng cho các bệnh xương - khớp mạn tính (Đây chỉ là những nét chung nhất, có tính nguyên tắc. Đối với từng loại bệnh khớp, từng bệnh nhân cụ thể các chi tiết sẽ có thay đổi để phù hợp với từng bệnh lý, tuổi và sức khỏe của mỗi người bệnh.
(*) Các biện pháp không dùng thuốc: Danh từ “thuốc” trong bài viết này chỉ đề cập đến các thuốc của Y học hiện đại, không bao gồm thuốc Y học dân tộc.
1. Giáo dục sức khỏe:
Đây được coi là biện pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đối với việc điều trị các bệnh xương - khớp mạn tính. Đây là nhiệm vụ của mọi nhân viên y tế, của toàn ngành y tế và các tổ chức văn hoá - xã hội vì mục tiêu Sức khỏe cho mọi người. Mọi người cần quan tâm hơn nữa tới các thông tin cần thiết trên các phương tiện thông tin (sách, báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình...) về nhóm bệnh phổ biến mang tính xã hội này. Qua qua đó nhận thức được tầm quan trọng và tỷ lệ mắc của các bệnh xương - khớp, diễn biến của bệnh, tác hại của bệnh, tác hại có thể có của các thuốc điều trị, tác hại của việc điều trị tùy tiện, không khoa học, khả năng của Y học có thể đem lại cho người bệnh và vai trò không thể thiếu của việc luyện tập, việc tự mình có ý thức bảo vệ và tăng cường sức khỏe, bảo vệ và tăng cường các chức năng sinh lý của các khớp, không quá lạm dụng và ỉ lại vào thuốc .
2. Chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt:
● Khi bị viêm cấp (biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ, đau), các khớp cần được nghỉ ngơi hoàn toàn ở tư thế cơ năng.
● Tư thế cơ năng của mỗi khớp là tư thế giúp khớp của người bệnh ít bị tàn phế nhất nếu chẳng may khớp có bị dính hay bị cứng. Tư thế cơ năng của mỗi khớp không giống nhau.
- Tư thế cơ năng của khớp gối là duỗi thẳng chân, tuyệt đối không kê, độn ở khoeo. Với tư thế này nếu có bị cứng hay dính khớp gối bệnh nhân vẫn có thế đi lại được.
- Tư thế cơ năng của khớp khuỷu là gấp tay 900, ở tư thế này nếu có bị dính hay cứng khớp người bệnh vẫn có thể sử dụng 2 bàn tay để tự phục vụ bản thân như xúc cơm, cầm ly, chén, chải tóc...
● Sau giai đoạn viêm cấp thời gian nghỉ ngơi của người bệnh chỉ cần 8 đến 10 giờ mỗi ngày, 8 giờ cho ngủ buổi tối, 1 - 2 giờ cho ngủ trưa. Khi ngủ cũng cố gắng để các khớp ở tư thế cơ năng. Cần cố gắng tạo việc làm phù hợp cho mỗi người bệnh, tránh sự nhàn rỗi, tránh nằm ì trên giường nhiều giờ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh.
● Chế độ sinh hoạt: ngoài giai đoạn cấp tính người bệnh cần cố gắng duy trì một chế độ sinh hoạt bình thường (tránh các hoạt động quá sức cho khớp, tránh các động tác hoặc tư thế làm khớp co hay giãn quá mức), không quá gắng sức, không dầm mưa, không để lạnh đột ngột, không thức quá khuya, có sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, cân bằng về tâm lý và sinh lý. Không khí gia đình, quan hệ vợ chồng, công việc hàng ngày, sự động viên, tạo điều kiện, sự quan tâm và hỗ trợ đúng mức của người thân là những ảnh hưởng rất tích cực trong điều trị.
3. Chế độ ăn uống
- Với các bệnh mãn tính tiêu biểu như: Viêm khớp dạng thấp, Viêm cột sống dính khớp, Thoái hoá khớp, Loãng xương
Cần một chế độ ăn giảm muối, tránh dùng rượu, tránh dùng các chất kích thích thần kinh, tăng cường Protid (từ nguồn động vật và thực vật), tăng cường calcium, tăng cường các vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, vitamin E, tăng cường rau xanh và các chất xơ, uống nhiều nước…, tránh suy dinh dưỡng, tránh béo phì.
Lý do:
● Đa số các thuốc kháng viêm giảm đau dùng để điều trị triệu chứng các bệnh xương, khớp đều có tác dụng giữ muối (ít hoặc nhiều), đều tăng tác dụng phụ nếu người bệnh sử dụng rượu. Các thuốc kích thích thần kinh thường gây làm co cứng các cơ gây đau và hạn chế vận động.
● Rau xanh là nguồn cung cấp vitamine tự nhiên, ăn đủ các chất xơ, uống nhiều nước giúp cho tiêu hoá, tăng cường trao đổi chất và tránh táo bón.
● Bệnh nhân bệnh khớp thường bị loãng xương (rất cần Calcium, vitamine D và Protid) vì bản thân các bệnh về khớp, vì người bệnh ít hoặc không dám vận động do đau, vì tuổi tác và vì sử dụng một số thuốc trong điều trị (đặc biệt các thuốc nhóm corticosteroid)… Nên sử dụng sữa và các chế phẩm của sữa (yaourt, sữa tách bơ…), Protid từ cá (dễ tiêu hoá, ít Cholesterol, có acid béo nhóm Omega 3)
● Các quá trình viêm, các thuốc kháng viêm, tuổi tác, khả năng hoạt động, tình trạng sức khỏe… đều ảnh hưởng tới các quá trình chuyển hoá của người bệnh, đặc biệt chuyển hoá Protid.
- Với bệnh Gout (bệnh Thống phong), một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá, người bệnh cần có những chế độ ăn uống riêng như :
● Hạn chế Protid (dưới 50 g protein mỗi ngày – tương đương 200 g thịt nạc), tránh các thức ăn chứa nhiều nhân purin như tim, gan, thận, óc, hột vịt lộn, cá chích, cá đối, cá sardin…
● Tránh các yếu tố nguy cơ như : không uống rượu, không hút thuốc lá, không ăn uống quá độ, không sử dụng thuốc lợi tiểu, aspirin, corticosteroids…
● Hạn chế muối, đường, mỡ (nếu có kèm Cao huyết áp, Rối loạn lipid máu, Tiểu đường, béo phì…)
● Uống nhiều nước, nên uống các loại nước khoáng có gas (bicarbonate) để tăng thải acid uric qua đường tiểu.
4. Tập vận động các khớp
- Người bệnh cần tập vận động càng sớm càng tốt (ngay sau giai đoạn viêm cấp), tập từ từ, tăng dần, từ tập thụ động (lúc đầu), chuyển dần sang tập chủ động, xen kẽ thời gian tập và thời gian nghỉ để các khớp thích nghi dần, vận động ở mọi tư thế, mọi thời gian. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để chống teo cơ, chống cứng khớp, chống dính khớp, bảo vệ và duy trì chức năng vận động của khớp.
- Có 2 cách tập, tập thụ động và tập chủ động
● Tập thụ động (Khi người bệnh chưa tự tập được thì nhân viên y tế và/hoặc người thân tập cho người bệnh)
● Tập chủ động (Người bệnh tự tập). Tập chủ động có tác dụng tốt hơn hẳn tập thụ động vì vậy người bệnh cần tập chủ động càng sớm càng tốt.
- Tập theo các vận động sinh lý của các khớp, tập nhiều lần, thời gian tập trải đều trong ngày, tránh tập quá lâu một lần rồi bỏ bẵng cả ngày, cường độ tập phải tăng dần tùy tình trạng sức khỏe và sự thích nghi của cơ thể mỗi người. Khi tập nếu thấy đau, cần nghỉ hoặc giảm cường độ, hết đau lại tập tiếp. Các khớp chiụ trọng lượng của cơ thể như khớp gối, khớp cột sống, khớp háng, khớp cổ chân... cần được tập chủ yếu ở tư thế nằm hoặc ngồi (không chiụ sức nặng của cơ thể). Các thầy thuốc điều trị sẽ trực tiếp hướng dẫn cách tập cho từng bệnh và cho từng khớp cụ thể.
- Tập vận động các khớp cần được duy trì liên tục và phải trở thành một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
- Đối với bệnh Viêm cột sống dính khớp, các cơ thường bị co cứng, các dây chằng thường bị vôi hoá làm hạn chế sự giãn của cột sống và lồng ngực nên cần cho bệnh nhân vận động ở dưới nước (bơi, tắm nước khoáng…).
- Đối với bệnh Thoái hóa khớp gối, khi vận động nên tránh làm tăng chịu lực lên khớp gối, tránh các tư thế gấp gối quá mức (ngồi xổm, ngồi bó gối…). Đi bộ ngắn, đường bằng phẳng, hạn chế lên xuống cầu thang, đi tay không, không mang xách gì nặng. Tập khớp gối chủ yếu tư thế ngồi ghế, nằm, đạp xe đạp (khớp gối không phải chịu lực).
5. Vật lý trị liệu
Là các biện pháp dùng sức nóng, dùng tia hồng ngoại, dùng sóng ngắn hoặc trao đổi ion ... để góp phần làm giảm đau, giảm sưng, giảm co cơ... Vật lý trị trị liệu luôn luôn được kết hợp với vận động trị liệu.
6. Phục hồi chức năng
Bao gồm vận động trị liệu, vật lý trị liệu và chỉnh hình là các biện pháp mà các nhân viên y tế sử dụng để hướng dẫn, trợ giúp cho người bệnh hoặc can thiệp nhằm khắc phục các di chứng của bệnh, phục hồi các chức năng của khớp, duy trì tối đa những hoạt động cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
7. Châm cứu, bấm huyện, xoa bóp và các thuốc dùng ngoài
- Châm cứu theo lý luận của Y học dân tộc nhằm làm cho khí huyết lưu thông để giảm đau (theo quan niệm Thống bất thông - Thông bất thống). Theo nghiên cứu của Y học hiện đại, châm cứu có tác dụng ức chế phản xạ đau và kích thích cơ thể tiết ra một loại morphin nội sinh gọi là endorphin, có tác dụng giảm đau. Châm cứu được sử dụng để điều trị hỗ trợ, giảm đau, giảm viêm, giãn cơ, kích thích các thần kinh ngoại vi ... từ đó tăng cường khả năng vận động cho người bệnh.
- Bấm huyệt có tác dụng làm giãn các cơ bị co cứng do phản ứng viêm.
- Xoa bóp làm máu lưu thông, giãn cơ, giảm đau, chống teo cơ cứng khớp
- Các thuốc đắp và xoa ngoài: thường là một số vị thuốc có vị nóng, ấm và tinh dầu, có tác dụng hỗ trợ làm giãn mạch, giảm xung huyết, giảm sưng, giảm đau, giãn cơ... đặc biệt ở các phần mềm quanh khớp.
8. Thuốc y học dân tộc (bao gồm cả thuốc Đông y và Nam y)
Được coi là điều trị hỗ trợ, được sử dụng sau giai đoạn cấp tính nhằm nâng cao sức khỏe người bệnh, giảm đau, giảm viêm nhẹ, củng cố và duy trì kết quả điều trị.
Cần hết sức tránh các loại thuốc “gia truyền”, thuốc tễ, “thuốc dân tộc”, thuốc không rõ nguồn gốc… Hiện tại trên thị trường còn lưu hành nhiều loại thuốc nêu trên nhưng được pha trộn tân dược: dexamethason, ibuprofen, phenylbutazone… (thuốc giả).
9. Tâm lý trị liệu
Là các biện pháp về mặt tâm lý - xã hội giúp người bệnh giải tỏa được sự lo lắng, buồn phiền, bi quan, chán nản, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tin tưởng ở chuyên môn, tích cực vận động, tập luyện, hợp tác tốt với thầy thuốc. Ngoaiø gia đình và bè bạn, người bệnh còn cần được các tổ chức xã hội và đoàn thể giúp đỡ, hướng dẫn, động viên và tạo điều kiện để người bệnh có thể có những việc làm phù hợp, có những thu nhập ổn định. Công việc sẽ giúp người bệnh cảm thấy tự tin, thấy mình có ích cho gia đình và xã hội, có mục tiêu để phấn đấu, vươn lên, tạo niềm vui, tránh sự cô đơn, mặc cảm, ỉ lại và phụ thuộc.
Kết luận:
Trong việc điều trị các bệnh xương - khớp mãn tính, các biện pháp điều trị không dùng thuốc tuy không thay thế được các điều trị bằng thuốc nhưng có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong bất cứ giai đoạn nào của điều trị, có tác dụng tăng cường, duy trì và củng cố kết quả điều trị, giảm bớt số lượng thuốc phải sử dụng. Các biện pháp này chủ yếu dựa vào bản thân người bệnh, nhằm động viên tính tích cực, chủ động, kiên trì, bền bỉ, lạc quan để sống chung với bệnh và chiến thắng bệnh tật. Đây là một phần việc rất quan trọng mà không ai có thể làm thay cho người bệnh.
NGUỒN MEDINET.HOCHIMINHCITY.GOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét