Có rất nhiều người trong xã hội nghĩ rằng học y vừa nhàn, vừa dễ xin việc, vừa dễ kiếm tiền. Nhưng bất kỳ ai khi đi trên con đường y khoa thì đều hiểu rằng đó là con đường vô cùng gian nan vất vả.
Tôi nghĩ có rất nhiều hy sinh mất mát của đội ngũ y bác sĩ vẫn chưa được xã hội nhìn nhận một cách đúng đắn, đánh giá một cách khách quan những đóng góp của ngành y tế đối với xã hội. Và tôi với vai trò một người đang đi trên con đường này muốn có đôi lời tâm sự với các bạn.
Ngay từ khi quyết định chọn nghề y bạn đã phải đối diện với khó khăn rất lớn, điểm trúng tuyển của các trường đại học y luôn thuộc hàng "top ten", thời gian học đại học lâu nhất 6 năm, thời gian học nhiều nhất: sáng đi lâm sàng, chiều học lý thuyết, tối đi trực; thứ 7, chủ nhật trực 24/24.
Lượng kiến thức nhiều nhất trên gần 100 môn và gần 200 lần thi (thi thực hành và lý thuyết riêng), có những môn phải thi 12 lần (nội, ngoại). Sau 6 năm vất vả bạn sẽ có bằng bác sĩ đa khoa.
Chặng tiếp theo là xin việc, để có một công việc tốt phù hợp với nguyện vọng là điều vô cùng khó khăn. Khi xin vào những bệnh viện lớn thì chúng ta cần rất nhiều thứ: kiến thức, mối quan hệ... Khi có việc làm bạn sẽ lao vào kiếm tiền thật nhanh để bù đắp những năm tháng khó khăn? Không nhanh thế đâu. Ra trường lương khởi điểm 1 triệu 3 thậm chí là thử việc không lương.
Vào nhà nước khó khăn thế sao không chọn ra ngoài làm tư? Xin thưa rằng chẳng ai muốn thuê một bác sĩ mới ra trường không có kinh nghiệm, không có uy tín. Vậy muốn kiếm tiền phải làm gì đây? Phải đi học tiếp thôi. Lại nộp đơn học chuyên khoa định hướng trong tháng. Ra trường đi làm rồi lại phải xin tiền mẹ, học xong 9 tháng có bằng định hướng chắc kiếm tiền được rồi.
Không đâu, đấy chỉ là những kiến thức bước đầu sơ bộ về chuyên ngành của bạn, muốn làm được thì ít ra cũng phải học chuyên khoa cấp I, hay thạc sĩ. Nhưng muốn học bạn ít nhất phải có 2 năm kinh nghiêm, sau đó lại thi rồi nếu đỗ lại học tiếp 2 năm nữa và lại phải tốn không biết bao tiền của và công sức nữa đây? Vậy là bạn mất bao nhiêu năm và bao nhiêu tiền rồi?
Trên đây tôi mới kể quãng thời gian tối thiểu thôi, vì không phải ai cũng có điều kiện để đi học luôn như thế đâu. Học thế chắc là xong rồi nhỉ? Chưa hết đâu, bạn lại đi làm khoảng 5 năm nữa, rồi thi chuyên khoa cấp II, hoặc tiến sĩ, lại học 3 năm nữa. Như vậy là bạn học trong bao lâu rồi? Phải chăng suốt đời bạn chỉ có học và thi.
Đấy mới là học thôi, còn làm việc nữa, phải kiếm tiền lấy vợ, sinh con, phụng dưỡng mẹ cha, để có tiền đi học tiếp. Mình học nhiều thế chắc lương cao lắm? Mới ra trường 1 triệu 3, học xong định hướng về đi làm được khoảng 2 triệu.
Sau đó như bất kỳ công chức nào 3 năm lên lương một lần nhưng cường độ làm việc thì cao hơn nhiều, trực 24/24 hôm sau làm việc bình thường, rất ít bệnh viện được nghỉ bù. Trực một ngày ở tuyến xã 20 nghìn, tuyến trung ương 70 đến 100 nghìn. Với tình hình giá cả hiện nay tiền trực có đủ tiền ăn không?
Học mất nhiều tiền thế mỗi lần khám bệnh được bao nhiêu? Xin trả lời bạn ngay là 3nghìn/lần khám, vậy là nhiều rồi phải không? Nhưng bạn có được nhận 3 nghìn đó đâu, người ta nộp cho bệnh viện mà chia ra không biết bạn được bao nhiêu nữa, mình không dám tính.
Mình là bác sĩ ngoại, mọi người ai cũng nghĩ mổ xẻ lắm tiền, nhưng mổ đại phẫu thì cũng chỉ được 75 đến 100 nghìn thôi. Có bằng một lần bạn đi cắt tóc không?
Còn rất nhiều điều mình muốn tâm sự với các bạn nhưng đêm đã khuya, mình phải ngủ để mai còn đi làm. Hy vọng các bạn sẽ đóng góp ý kiến cho những tâm sự của mình. Một điều nữa mình muốn nói với các bạn: “dù khó khăn, vất vả đến mấy, chúng ta hãy luôn cố gắng làm việc thật tốt, tất cả là vì sức khỏe nhân dân.
Chúc các bạn đồng nghiệp sớm gặt hái thành công.
Nguồn Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét