Gần đây vấn đề Thai giáo được nhiều người và nhiều Hiệp hội quan tâm. Vấn đề Thai giáo cũng được đưa ra những cuộc Hội thảo để tìm lấy một phương pháp nào hoàn hảo nhứt và cũng để cho nhiều người thuật lại những kết quả của việc Thai giáo.
A. KINH NGHIỆM BẢN THÂN :
1. Tôi được Thai giáo :
1. Tôi được Thai giáo :
Theo lời kể của má và cậu mợ Năm tôi, lúc má mang thai tôi, trong nước chưa ai nghĩ đến việc Thai giáo. Má tôi đang ở nhà ông Nội tôi, tại chợ Giữa, phía sau nhà là một lò heo, mỗi đêm lúc 03g00’ sáng má tôi thường bị tiếng heo la lúc heo bị thọc huyết, làm thức dậy và khó ngủ trở lại. Khi nói chuyện đó cho cậu Năm tôi nghe, thì cậu Năm tôi đến gặp ông Nội tôi và thưa rằng :
“Kính thưa Bác, chắc Bác cũng đã biết, theo sách sử để lại có nói chuyện mẹ Thầy Mạnh Tử ngày xưa phải mấy lượt dời nhà đi để cho con mình luôn luôn được ở gần những nơi có ảnh hưởng tốt. Em cháu mỗi đêm bị tiếng heo la hét làm thức giấc, có hại cho sức khỏe và có ảnh hưởng không tốt cho bào thai. Cháu xin Bác cho phép cháu rước em cháu về khu vườn yên tĩnh của gia đình cháu trong thời gian mang thai”.
Ông Nội tôi cũng biết việc mẹ Thầy Mạnh Tử mấy lượt dời nhà để tạo cho con mình một môi trường tốt, nên đã bằng lòng.
Nhà cậu Năm tôi ở trong một khu vườn rộng rãi, giáp ranh hai Làng Đông Hòa và Vĩnh Kim. Cậu Năm tôi cho cất một chái sát vách nhà, rộng rãi, có giường cho người má và cái nôi cho đứa bé, có chỗ ngồi đọc sách, ngắm cảnh. Cậu cho trồng 2 thứ hoa Vạn Thọ và Móng Tay với ý nghĩa là chúc cho đứa bé sanh ra đời sẽ sống lâu và biết đàn hay. Cậu Năm tôi thích đá gà, nhưng dẹp tất cả các chuồng gà và không bao giờ tổ chức cuộc đá gà tại nhà như trước nữa. Cậu chọn lựa những quyển sách có tánh cách giáo dục cho má tôi đọc như “Cổ học tinh hoa”, “Luận ngữ”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Gia huấn ca” (của Nguyễn Trãi) … Mỗi ngày sau giấc nghỉ trưa, cậu Năm đem ống Sáo đến thổi những bản nhạc trong truyền thống Ca nhạc Tài tử miền Nam cho má tôi nghe. Thỉnh thoảng cậu nói chuyện với bào thai : “Bé ơi, cậu Năm thổi cho con nghe bài Lý Bốn Mùa nhé” và má tôi thường nói cho mợ Năm tôi, trước kia làm việc trong nhà hộ sanh, sau này có chồng không còn hành nghề như trước, nhưng thỉnh thoảng giúp cho bà con trong việc sanh nở, ai cũng nói rằng mợ tôi “mát tay” nên những đứa bé mợ tôi giúp ra đời luôn luôn được mạnh khỏe. Và mợ Năm theo dõi hàng ngày sự tiến triển của tôi, nên khi nào má tôi nói bào thai đang đạp trong bụng, thì mợ tôi lại vuốt ve trên bụng mà nói với tôi : “Con ơi, đừng đạp mạnh má đau nghe con” và khuyên má tôi nên vừa vuốt ve ngoài bụng, vừa nói chuyện với bào thai. Cậu Năm tôi thỉnh thoảng đọc Thơ Đường cho má tôi nghe. Má tôi học thuộc những bài thơ hay và thường ngâm những bài thơ đó. Cậu Năm không cho má tôi đi xem hát Bội, vì có những tướng nét mặt vằn vện. Trong phòng ngủ của má tôi, cậu Năm cho treo tranh Tố Nữ (4 người đờn), những món gì má tôi thèm là cậu mợ tôi cho ăn liền.
Suốt trong 9 tháng, cả nhà đều đến đờn ca, đọc thơ cho tôi nghe, mỗi ngày má tôi đi dạo ngoài vườn xem bông Vạn Thọ và Móng Tay nở, nghe tiếng chim hót trên cành, bà con lối xóm cũng thường đến thăm má tôi, trò chuyện vui vẻ. Má tôi không bao giờ nghe tiếng cãi nhau, quát tháo, giận dữ.
Đến ngày chuyển bụng, mợ Năm tôi luôn ở cạnh giường, nói chuyện cho má tôi bớt lo. Lúc tôi mới vừa lọt lòng, mợ Năm reo mừng thật to : “Sanh con trai rồi, có người nối giòng họ Trần rồi”. Cậu Năm liền chạy tới, thổi sáo, chào mừng đứa bé.
Khi tôi nghe thuật lại, tôi nghĩ rằng rất may cho tôi, vì cả gia đình thực hiện việc Thai giáo, mặc dầu không có đọc sách vở về môn này, mà làm những điều rất phù hợp với phương pháp Thai giáo hiện nay.
2. Con trai đầu lòng của tôi được Thai giáo :
Đã biết rằng tôi được Thai giáo trong gia đình, tôi quyết định Thai giáo cho đứa con đầu lòng của tôi (năm 1943). Lúc đó tôi đang thích Tân nhạc và những bài hát của Lưu Hữu Phước, tôi lại mới biết đờn Piano, nên thay vì đờn Tranh, đờn Kìm cho con tôi nghe, tôi lại thường đờn Piano những bài hát của Lưu Hữu Phước, tôi dạy cho mẹ cháu rất nhiều bài rút trong Ca kịch tục lụy. Chiều nào mẹ cháu cũng thường hát những bài “Hỡi áng mây hồng”, “Buổi chiều đông”, và một vài bài bằng tiếng Pháp như “Le Petit Mousse”, mẹ cháu lại thích nhứt bài “Ru con” mới của Lưu Hữu Phước, nên trong thời gian mang thai và khi con ra đời luôn luôn hát bài đó.
Lúc con tôi chào đời tại nhà Bảo sanh Thủ Đức, vì hôm đó sanh khó, nên tôi phải lo cứu con khỏi bị ngộp, và như thế không có bản nhạc nào mừng con. Nhưng vài bữa sau, Lưu Hữu Phước gửi một bài ca “Mừng cháu Trần Quang Hải ra đời” :
“Xinh thay, buổi hôm nay chúng ta mừng em Quang Hải.
Xinh thay, giọt sương mai gặp con khe hóa ra biển tràn
Trần Quang Hải bao nỗi mừng …”
Xinh thay, giọt sương mai gặp con khe hóa ra biển tràn
Trần Quang Hải bao nỗi mừng …”
tuy không được hoàn hảo, nhưng chúng tôi đều có ý thức cho bào thai nghe những tiếng nhạc êm do người bạn rất thân của tôi sáng tác. Do đó, khi cháu Hải vừa lớn lên chỉ thích nghe tiếng đờn Piano và múa theo bài hát “Khúc khải hoàn” của Lưu Hữu Phước đến mệt lả.
Tôi sang Pháp lúc cháu được 5 tuổi, dặn mẹ cháu ở nhà tìm Thầy dạy đờn Tài tử cho cháu, nhưng cháu không thích, cháu chỉ tìm học nhạc theo phương Tây. Khi học Trường Trung học Trương Vĩnh Ký đã thích đờn Violon và có may mắn được vào Trường nhạc Sài-gòn, học luôn mấy năm với Nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt. Khi cháu sang Pháp cũng xin tôi tìm Trường cho cháu tiếp tục học Violon. Tôi đã ghi tên cho cháu học Trường Quốc tế Âm nhạc (Conservatoire International), đến khi cháu gặp thần tượng của cháu là Nhạc sư Yehudin Menuhin, sau khi nghe cháu đờn, kết luận rằng đến tuổi của cháu (20 tuổi) mà đàn được như cháu thì sau này giỏi lắm, chỉ làm người thầy dạy nhạc Violon, chớ không thể trở nên một Nhạc sĩ biểu diễn độc tấu. Nhạc sư hỏi cháu tại sao có một người cha am hiểu nhạc Dân tộc như tôi, mà lại không học nhạc Dân tộc. Cháu buồn, bỏ đàn trong một tuần lễ, sau đó đến xin tôi dạy cho cháu đàn Tranh. Nhờ sống gần tôi hơn mười mấy năm, được học nhạc Việt Nam với tôi và nhạc châu Á với nhiều Nhạc sư danh tiếng Ấn Độ, Ba Tư … cháu thấm nhuần âm nhạc châu Á truyền thống và nhứt là biết âm nhạc Việt Nam một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, nên từ đó cháu đã để hết tâm trí vào việc học tập, trau dồi, biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
Tôi sang Pháp lúc cháu được 5 tuổi, dặn mẹ cháu ở nhà tìm Thầy dạy đờn Tài tử cho cháu, nhưng cháu không thích, cháu chỉ tìm học nhạc theo phương Tây. Khi học Trường Trung học Trương Vĩnh Ký đã thích đờn Violon và có may mắn được vào Trường nhạc Sài-gòn, học luôn mấy năm với Nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt. Khi cháu sang Pháp cũng xin tôi tìm Trường cho cháu tiếp tục học Violon. Tôi đã ghi tên cho cháu học Trường Quốc tế Âm nhạc (Conservatoire International), đến khi cháu gặp thần tượng của cháu là Nhạc sư Yehudin Menuhin, sau khi nghe cháu đờn, kết luận rằng đến tuổi của cháu (20 tuổi) mà đàn được như cháu thì sau này giỏi lắm, chỉ làm người thầy dạy nhạc Violon, chớ không thể trở nên một Nhạc sĩ biểu diễn độc tấu. Nhạc sư hỏi cháu tại sao có một người cha am hiểu nhạc Dân tộc như tôi, mà lại không học nhạc Dân tộc. Cháu buồn, bỏ đàn trong một tuần lễ, sau đó đến xin tôi dạy cho cháu đàn Tranh. Nhờ sống gần tôi hơn mười mấy năm, được học nhạc Việt Nam với tôi và nhạc châu Á với nhiều Nhạc sư danh tiếng Ấn Độ, Ba Tư … cháu thấm nhuần âm nhạc châu Á truyền thống và nhứt là biết âm nhạc Việt Nam một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, nên từ đó cháu đã để hết tâm trí vào việc học tập, trau dồi, biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
B. PHƯƠNG PHÁP THAI GIÁO HIỆN NAY :
Trong những bài viết hay Tham luận trong các Hội thảo của 2 chuyên gia về Thai giáo : bà Phạm Thị Thúy và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, thường nêu ra 14 kỹ năng, sắp thành 5 bài học.
+ 14 kỹ năng cơ bản là :
- Ru và hát
- Nựng nịu
- Dỗ dành
- Xoa bụng bằng ngón tay yêu thương
- Nghe nhạc thích hợp, du dương, êm ái
- Đọc văn thơ và nói diễn cảm của mình
- Nghĩ đến Thai nhi một cách trân trọng, chờ mong
- Để ý đến tư thế đi, đứng, nằm, ngồi
- Kể chuyện vui tươi
- Hội bạn bè nâng niu người mẹ và thai nhi.
- Xem và bình phẩm tranh nghệ thuật
- Quan tâm, săn sóc người mẹ
- Tạo không khí tốt đẹp trong gia đình
- Cả nhà đồng bộ thương lo cho người mẹ
+ 5 bài học :
- Thính giác : nên nghe nhạc du dương và nhạc thiên nhiên như tiếng nước chảy, tiếng chim hót, lời nói dịu dàng trong gia đình.
- Thị giác : nên xem những cảnh đẹp, tranh đẹp, hình ảnh những người mẹ yêu thương con.
- Khứu giác : nên tìm những mùi hương mình thích, mùi hương của hoa cỏ
- Xúc giác : nên xoa nhẹ phía ngoài bụng
- Vị giác : nên ăn uống những món nào người mẹ thích Nói chung, nên có một tâm lý lạc quan, xem Thai nhi là quà quí giá người mẹ đón nhận, tránh tức giận vì khoa học đã chứng minh trong cơ thể người mẹ tiết ra rất nhiều chất Adrênaline khi tức giận, chất Cholamine khi người mẹ sợ hãi, chất Endorphine khi người mẹ hạnh phúc và những chất đó ngang qua cuống rún (rốn) ảnh hưởng đến Thai nhi.
C. NHẬN XÉT :
Sau khi xem tất cả đề nghị của những chuyên gia trong việc Thai giáo, tôi rất thích thú, ngạc nhiên nhận thấy rằng tôi đã được thừa hưởng một không khí ôn hòa, đầy văn chương và nghệ thuật, sự chăm lo, thương yêu, nâng niu của mọi người trong gia đình từ khi còn trong bào thai. Nhờ tiếng Sáo của cậu Năm tôi trong lúc tôi còn là Thai nhi, tiếng đờn Tỳ Bà của ông Nội tôi, tiếng đờn Tranh của cô Ba tôi, tiếng đờn Kìm của Ba tôi, từ ngày tôi ra đời đến sau này mà trong lòng tôi thấm nhuần âm nhạc Dân tộc Việt Nam. Vừa mới lớn lên tôi đã biết nhảy nhịp theo tiếng đờn của ông Nội tôi. Lúc lên 6 tuổi đã biết đờn Kìm, lên 8 tuổi đã biết đờn Cò, 12 tuổi biết đờn Tranh, 14 tuổi biết đánh Trống nhạc, mãi đến khi khôn lớn tình yêu Âm nhạc Dân tộc đó, sau một giai đoạn nhỏ đi sai đường hướng về nhạc phương Tây, đã tiếp tục giữ tôi trên con đường sưu tầm, học hỏi, luyện tập, biểu diễn, phổ biến và phát huy Âm nhạc truyền thống Dân tộc Việt Nam đến ngày nay.
Khi tôi thai giáo cho con tôi, tôi lại đàn Piano, hát tân nhạc, nhứt là nhạc của Lưu Hữu Phước, mẹ của cháu cũng ca những bản trích trong vở ca kịch “Tục lụy” … nên khi sanh ra, cháu đã thường thích nghe tiếng đờn Piano hơn các tiếng đờn Dân tộc.
Như vậy, loại nhạc dùng trong thời gian Thai giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự ưa thích của đứa trẻ sau này. Ngày nay, trong những bạn bè của tôi nhiều người thích cho con mình nghe nhạc cổ điển phương Tây và nghĩ làm như vậy để tạo cho con có tánh tình tốt hơn là cho nghe nhạc kích động. Việc đó đúng một phần nào, vì theo tôi, đã là người Việt thì phải được tiếp cận với Âm nhạc truyền thống Dân tộc trước khi nghe những loại nhạc của các nước khác. Tuy nhiên, nên chọn lọc trong Âm nhạc Dân tộc những loại nhạc êm đềm, du dương như tiếng hát Ru, những bài Lý, những bài Quan họ, một tiếng đàn Bầu uyển chuyển, một điệu đàn Tranh lả lướt vẫn tốt hơn những bản dùng trong hát Bội, kèn trống inh ỏi hay những bài hát Chầu văn đầy tiết tấu rộn rã.
Trên đây là những điều nhận xét từ kinh nghiệm bản thân, nếu quí vị có điều chi thắc mắc hoặc có những kinh nghiệm khác hơn, có thể cùng tôi trao đổi để chúng ta tìm ra được một hướng đi đúng đắn, một loại nhạc thích hợp cho công việc Thai giáo trẻ em Việt Nam ngày nay.
Bình Thạnh, ngày 06-05-2010
Ghi chú của Đỗ Hồng Ngọc: Cô Thanh Thúy, Hội quán các bà mẹ có nhã ý gởi tôi bài nói chuyện của GS Trần Văn Khê về Thai giáo, chia sẻ những kinh nghiệm của ông và gia đình. Đây là một đề tài rất đáng quan tâm hiện nay trong bối cảnh xã hội đang biến chuyển mạnh, nhiều bà mẹ trẻ nghĩ chỉ cần có nhiều tiền, mua sữa “thông minh” đắt giá và cho nghe nhạc cổ điển Tây phương là đủ để cho con khôn lớn và… thông minh hơn. Thực ra, như trong cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” tôi có nói:”… trẻ không chỉ cần sữa mẹ mà còn cần mùi mồ hôi của mẹ, tiếng ru à ơi của mẹ, bờ vai của cha…”. Nhạc cổ điển Tây phương dĩ nhiên rất hay rất tuyệt với trẻ… Tây phương, còn ta thiếu gì nhạc… cổ điển qua lời ru, giọng hò, tiếng hát bên chiếc võng đu đưa dưới bóng mát buổi trưa hè vùng nhiệt đới… Mỗi nơi có cái “thổ ngơi” riêng của nó, quýt trồng ở Giang Nam thì ngọt mà đem trồng ở Giang Bắc thì chua là vậy!
Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Văn hóa Phật giáo ( Số 39 , năm 2007) trước đây về mối quan hệ giữa thân và tâm, tôi cũng đã trả lời về thai giáo, nhân dịp này xin được ghi lại để chia sẻ:
“VHPG: Trong một bài viết của anh trên Văn Hóa Phật Giáo, anh đã viết: “Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành”. Nhận định này đến từ cảm xúc của một người viết văn hay là từ cái nhìn của một bác sĩ y khoa?
BS. ĐHN: Nhận định này xuất phát từ sinh học. Trong cơ thể ta, từng giây từng phút có sự thay đổi, một số tế bào mất đi và tái tạo những tế bào khác. Những tế bào tạo ra sữa mẹ là lọai tế bào tuyến khi căng đầy thì vỡ ra và trút hết những chất bổ dưỡng tạo thành sữa. Do vậy, sự chia sẻ giữa người mẹ với con thông qua sữa đi xuyên qua những tế bào, và do đó, tình mẹ con trở nên đặc biệt hơn bất kỳ tình cảm nào khác trong các mối quan hệ xã hội.
VHPG: Như vậy, mỗi thay đổi của người mẹ đều có ảnh hưởng đến đứa con?
BS. ĐHN: Điều đó là chắc chắn. Ở Đông Phương chúng ta có một từ rất hay là “thai giáo”, tức là giáo dục đứa bé ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Những ông bố bà mẹ ý thức được điều đó thì trong thời gian mang thai không nói nặng lời với nhau, tránh mọi sự xung đột, căng thẳng vì đứa trẻ từ tháng thứ tư trở đi trong bụng mẹ đã nhận biết được điều đó…
VHPG: Ở miền Trung có câu nói: “Con vào dạ, mạ đi tu” cũng mang ý thai giáo đó.
BS. ĐHN: Vâng, khi người mẹ mang thai thì người mẹ phải chuyển hóa chính mình để nuôi dưỡng tâm hồn của đứa con.”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét