“Money-driven Medicine” (Một nền y học vì đồng tiền) là tên cuốn phim tài liệu dựa trên cuốn sách nổi tiếng cùng tên của nữ ký giả Maggie Mahar trình chiếu gần đây trên chương trình Bill Moyers Journal, hiện đã có 4 phiên bản đi sâu vào từng lãnh vực, trong đó có phần nói về mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân. Phim vạch trần thực trạng cái mà Maggie Mahar gọi là một “Phức hợp kỹ nghệ y khoa khát lợi nhuận” ( A profit-hungry “medical-industrial complex”) ở Mỹ, một siêu cường – có nền y học tiên tiến nhất thế giới- mà trong suốt nhiều thập niên qua do đâu đã khiến việc chăm sóc sức khỏe vốn là một truyền thống nhân đạo trở thành “phi nhân”, tốn kém nhiều mà hiệu quả ít, đã “biến bệnh nhân thành một món hàng thay vì là một thân chủ được phục vụ”, và khiến “nhiều bác sĩ cảm thấy mình không còn theo đuổi được lý tưởng phục vụ nhân loại như lời thề Hippocrates trong buổi lễ ra trường”.
“Phức hợp kỹ nghệ y khoa khát lợi nhuận” này theo Maggie Mahar đã hình thành từ đầu thập niên 1970. Một hôm, có nhà kinh tế phát hiện: “Ngành y quá quan trọng để cho các bác sĩ điều hành. Chúng ta đều biết các bác sĩ đều là những nhà quản lý tồi. Ðiều mà chúng ta cần là các chuyên viên thương mại sẽ quản trị và điều hành hệ thống y tế”. Thế là từ đó, ngành y tế chuyền sang tay các tổ hợp pháp nhân, các nhà doanh nghiệp.. “Giám đốc bệnh viện không còn là một người với cái bằng MD (Medical Doctor = bác sĩ y khoa) nữa mà là một nhà quản trị kinh doanh với bằng MBA). Các vị giám đốc mới này dĩ nhiên nghiêng về việc khuếch trương thương mại, làm sao gia tăng lợi tức mỗi ba tháng, và năm sau cao hơn năm trước. Họ luôn tìm cách bán cho thật nhiều “sản phẩm” để kiếm thêm lợi nhuận, ngày càng “sản xuất” ra nhiều dịch vụ hơn, song nhiều không có nghĩa là tốt cho sức khỏe của chúng ta.”, nữ ký giả Maggie Mahar viết.
“Kinh doanh sức khỏe” là một thứ kinh doanh siêu lợi nhuận, bởi ai mà chẳng lo cho sức khỏe, ai mà tiếc tiền vì sức khỏe. Một khi bệnh nhân hoàn toàn “phó thác tính mạng” cho “phức hợp y khoa khát lợi nhuận “ của các doanh nghiệp như trên thì chuyện gì sẽ xảy ra. Các bệnh viện đua nhau thành khách sạn nhiều sao, mong cho lúc nào cũng “quá tải”, mong bệnh nhân nằm dài ngày và mong cho bệnh nhân –nay được gọi thân thương là khách hàng- thường xuyên trở lại! Khách hàng luôn là “Thượng đế” nên được chìều chuộng và đáp ứng mọi đòi hỏi, kể cả không cần thiết. Người thầy thuốc bấy giờ là người làm công ăn lương, doanh nghiệp đã có chỉ tiêu kế hoạch để đạt lợi nhuận thì thầy thuốc phải tuân thủ. Andrey Espinoza, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch ở New Jersey nói rằng ông thèm những ngày xưa khi có thể ngồi với bệnh nhân của mình hằng giờ, bây giờ chủ doanh nghiệp ra lệnh tối đa 15 phút thôi: “Ðúng là chúng tôi rơi vào một chuỗi làm việc dây chuyền (assembly line)… Nó không cho phép bạn có một liên hệ mật thiết với người nào mà không có ai đó đang tìm cách phá vỡ sự liên hệ đó”. Một bác sĩ khác bảo bệnh nhân một khi đã được “lên kế hoạch” rồi thì không còn phương thoát. Chính con ông đã là một nạn nhân. Khi ông thấy cách chữa trị của bệnh viện kéo dài mà không kết quả, nguy cơ cao thêm, ông xin rút lui thì bị họ đòi kiện ông ra tòa.
Thương mại hóa thì có nhu cầu bảo mật để cạnh tranh về những khám phá y học mới thay vì chia sẻ. Cạnh tranh không phải để phục vụ bệnh nhân tốt hơn mà để các doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận nhiều hơn. “Phức hợp kỹ nghệ y khoa khát lợi nhuận” mà Maggie Mahar mô tả không chỉ bệnh viện mà còn cả các công ty dược kếch xù và hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân câu kết tăng giá ngày càng cao, đẩy nhiều người nghèo không có khả năng được bảo hiểm. Mười năm trước đây mới chỉ có 10 triệu người Mỹ lọt ra ngoài danh sách bảo hiểm y tế thì nay đã lên trên 30 triệu, và hàng năm không ít người chết vì không có bảo hiểm để được gặp bác sĩ. Tất cả các công ty bảo hiểm y tế ở Mỹ đều là những doanh nghiệp tư nhân có mục đích lợi nhuận (for-profit organization), chứ không phải vì sức khoẻ của khách hàng
Bảo hiểm y tế ở Mỹ giới hạn các dịch vụ y tế đối với bệnh nhân. Bệnh nhân buộc phải đến khám trong một mạng lưới nhất định (in network) – khám bệnh theo tuyến quy định. Bảo hiểm sẽ không chi trả nếu người bệnh tự ý đi khám ở những bác sĩ sai tuyến (out-of network). Bác sĩ có quyền đề nghị cách chữa trị hay các xét nghiệm nhưng người quyết định cuối cùng trong mọi trường hợp là Bảo hiểm!
Những thủ thuật thông thường của các công ty bảo hiểm là từ chối, hoặc trì hoãn chi trả dịch vụ y tế cho khách hàng. Nhân viên nào thực hiện được nhiều sự từ chối hoặc trì hoãn sẽ được trọng thưởng. Chỉ riêng trong năm 2008 đã có đến hơn 195.000 khiếu nại của khách hàng về việc bị bảo hiểm từ chối chi trả dịch vụ y tế. Hệ thống bảo hiểm y tế này đã chiếm lĩnh thị trường với hơn 160 triệu khách hàng trong lứa tuổi lao động, là những người ít bệnh tật, lại làm ra nhiều tiền, nên đây là một thị trường béo bỡ từ nhiều thập niên qua. Thị trường này đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ cũng như cho các đại công ty dược. Năm 2008, riêng 5 công ty bảo hiểm y tế lớn nhất của Mỹ đạt lợi nhuận trung bình 1.56 tỉ USD mỗi công ty. Giám đốc có thu nhập bình quân 15 triệu USD/năm! Cho nên, việc cải cách y tế lần này sẽ là một đe doạ nghiêm trọng đối với họ. Phe chống đối còn cho rằng kế hoạch cải cách y tế hiện nay của Mỹ là có khuynh hướng “xã hội”, làm suy yếu nền… kinh tế thị trường!
Ông Obama, tổng thống Mỹ nói chi phí y tế từ lâu đã “đè nặng lên nền kinh tế và trên lương tri của Mỹ”. Thật vậy, năm 2009, chi phí cho y tế Mỹ đã tiêu tốn 2.5 ngàn tỉ USD, chiếm 17.6% GDP, và ngày càng tăng nhanh, dự kiến năm 2018 sẽ lên đến 4.4 ngàn tỉ USD; và quan trọng hơn, tiêu tốn vậy mà hệ thống y tế Mỹ bị đánh giá là vô nhân, là bất công, ở một siêu cường có nền khoa học y học tiên tiến nhất thế giới, nhiều giải Nobel y học nhất thế giới, mà kém xa hệ thống y tế các nước phát triển khác như Canada, Pháp, Đức, Anh, Thụy sĩ, Nhật bản… Hệ thống y tế của Mỹ không chú trọng nhiều đến công tác phòng bệnh. Bác sĩ tổng quát ở Mỹ chỉ chiếm 35% so với Anh là 60%. Bác sĩ chuyên khoa kiếm nhiều tiền gấp đôi bác sĩ tổng quát. Học phí tại các trường y khoa Mỹ cũng rất đắt. Một sinh viên y khoa tốt nghiệp trung bình nợ hằng trăm ngàn đô-la, nên phải lo kiếm tiền trả nợ.
Chi phí hiện nay cho y tế của Mỹ lên đến 7-8000 USD/ đầu người/ năm, trong khi Canada chi chỉ bằng một nửa mà có hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, tạo được công bằng xã hội, dịch vụ y tế cung cấp bởi tư nhân nhưng được nhà nước trả tiền; Pháp còn chi ít hơn, cũng có hệ thống bảo hiểm y tế phổ quát cho mọi người, không cần khám theo tuyến như ở Mỹ, được Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá là hệ thống y tế tốt nhất thế giới hiện nay. Anh quốc chi cho y tế còn ít hơn nữa, chú trọng về dự phòng và hệ thống y tế công bảo trợ miễn phí cho dến 97% dân số. Ở Anh, bác sĩ chịu trách nhiệm từng khu vực, nếu người dân ở đó ít bệnh tật, cuối năm được tưởng thưởng xứng đáng. Nhật bản thì theo truyền thống Đông phương, coi nghề y là một nghề cứu nhân độ thế, có hệ thống bảo hiểm y tế dưới nhiều hình thức phù hợp.
Bác Sĩ Donald Berwick, thuộc trường Y tế công cộng đại học Harvard (HSPH) thì cho rằng công cuộc cải cách y tế hiện nay ở Mỹ cũng gần giống như các phong trào xã hội trước kia, như phong trào đòi quyền công dân và bảo vệ môi sinh vào các thập niên 1950 và 1960.
“Một nền y học vì đồng tiền” kiểu Mỹ liệu rồi đây có lan rộng sang các nước đang phát triển khác trong một thế giới toàn cầu hóa hay không là một vấn đề thời sự đáng quan tâm và… cảnh giác!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét