Thuốc lá và da

BS. Võ Thị Bạch Sương
Đại học Y Dược TP. HCM
I.       ĐẠI CƯƠNG
Thuốc lá là cây trồng sống một năm, nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ, con người đã biết trồng và sử dụng thuốc lá từ rất lâu. Qua chuyến thám hiểm của CHRISTOPHE COLOMB, người ta đã thấy dân ở đảo Antyl đốt trên miệng một loại lá cây tròn mà người bản xứ gọi là tobacco.
Theo thời gian việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá biến chuyển qua các dạng khác nhau. Đầu tiên thuốc lá dùng để nhai và ngửi, sau đó chuyển qua hút với tẩu, với ống điếu và dạng xì gà. Khi con người biết sản xuất các loại giấy mỏng thì việc sử dụng thuốc lá ở dạng thuốc điếu trở nên phổ biến nhất. 

Ngày nay, người ta đã xác định trong thành phần của thuốc lá có những chất gây hại lên toàn bộ cơ thể. Hàng năm, khoảng 3 triệu người trên thế giới chết vì thuốc lá, thuốc lá liên quan đến 30% ung thư các loại như ung thư phổi (nguyên nhân gây chết hàng đầu ở nam giới), ung thư miệng, thực quản, thanh quản, bàng quang, các bệnh  lý phổi khác như viêm phế quản mạn, dãn phế quản, tâm phế mãn…, cũng như các bệnh về mạch máu đã làm tuổi thọ của người hút thuốc giảm đi 8 năm so với người bình thường và 10 năm nếu nghiện nặng.
Đối với da, thuốc  lá cũng có những ảnh hưởng cả về yếu tố sức khỏe lẫn thẩm mỹ.
II.    THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA THUỐC LÁ
- Các hợp chất có Nitơ (NICOTINE, PROTEINE)
- Glucid
- Tro (các hợp chất khoáng)
- Nhựa và tinh dầu
- Acid hữu cơ
NICOTINE là một loại alkaloid, có công thức là: µ pyridine- b- N- metylpyrolidin.
Ngoài Nicotine, thành phần gây hại thứ hai của thuốc lá là các chất ngưng tụ (TAR). Nếu Nicotine gây hại cho người hút và cả người xung quanh khi hút thuốc lá, thì các chất ngưng tụ chỉ gây ảnh hưởng cho trực tiếp riêng người hút mà thôi.
III.  SỰ NGHIỆN THUỐC LÁ
Khi mới tìm ra thuốc lá, người ta dùng nó như một loại thuốc chữa bệnh nhức đầu, sau đó phát hiện rằng thuốc lá giúp con người trở nên hưng phấn, sảng khoái tinh thần, chống lại trạng thái mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ. Các sản phẩm thuốc lá vì vậy được sử dụng rất nhiều.
Sự hiện diện của alkaloid nói chung và nicotine nói riêng là tính chất cơ bản của thuốc lá, chúng có tác động lên hệ thần kinh trung ương của người sử dụng, làm cho người ta nghiện. Từ đó, thuốc lá mới được dùng làm nguyên liệu để hút, nhằm thỏa mãn cơn nghiện và không thể thay thế bằng nguyên liệu thực vật khác.
Nicotine được xem là chất gây nghiện. Nhờ đặc tính tan trong mỡ, nó dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, qua lớp niêm mạc miệng và nhanh chóng di chuyển vào máu. Chỉ sau 7-8 giây khi hít hơi thuốc đầu tiên, nicotine hấp thu nhanh vào phổi và đến các thụ thể nicotinic trên não, đến vùng não có chức năng gây hưng phấn và sảng khoái cho con người.
Nicotin làm tăng giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonine, norepinephrine và nhất là ACETYL CHOLINE gây giảm cân và thuận lợi cho hồi ức, trí nhớ. Lâu dần, người hút bị nghiện cảm giác này và lệ thuộc vào khói thuốc lá vì hút thuốc chính là cách phổ biến nhất để người nghiện thuốc lá thỏa mãn nhu cầu về nicotin cho hoạt động của não bộ và càng hút nhiều – càng gây hại cho sức khỏe của chính mình cùng những người xung quanh.
IV.  ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÁ TRÊN DA
A.  Tác hại của nicotine:
- Tăng tác dụng của tuyến thượng thận trong thời gian đầu.
- Giảm sự sản xuất histamine.
- Thay đổi sự tổng hợp proteine và dự trữ serotonine.
- Giảm sự sản xuất kích thích tố nữ (oestrogene).
- Gia tăng sự tập hợp tiểu cầu, gây hư hại tế bào biểu mô, gây biến đổi ở chuyển hóa prostacyclin và thromboxane.
- Gây co mạch và gây thuyên tắc trên hệ thống mạch máu ngoại vi.
- Ức chế phản ứng viêm thông qua tác động của hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi và thông qua tác động trực tiếp trên các tế bào miễn dịch.
- Nicotine tăng sự dính tế bào sừng, sự biệt hóa và di chuyển của tế bào sừng.
- Nicotine kích thích dòng chảy calcium và gia tăng sự biệt hóa tế bào. Tương tự như hệ thống thần kinh, dòng chảy calcium vào tế bào sừng của thượng bì thông qua các receptor hướng điện giải sẽ là yếu tố quyết định trong thăng bằng nội mô của da.
B.  Tác hại của những thành phần khác trong thuốc lá:
- Chất Oxyde de Carbone: làm rối loạn sự chuyên chở Oxy từ hồng cầu đến các mô và tế bào.
- Các chất kích thích có aldehydes và phenol: làm xáo trộn  hoạt động luân chuyển của bộ máy hô hấp.
- Các chất than: gây ung thư.
C.  Biểu hiện ở da do thuốc lá:
Thuốc lá làm cho da bị lão hóa sớm: Gương mặt điển hình của người da trắng nghiện thuốc lá: nhiều nếp nhăn lớn, nhỏ, da teo lại, nhợt nhạt, màu vàng, xám.
Triệu chứng này thường thấy ở nữ nhiều hơn nam, nhưng da bị lão hóa do tác dụng của thuốc lá thì nhẹ hơn do tác dụng của tia tử ngoại.
Những hiểu biết hiện tại của chúng ta chưa giải thích hết tác dụng của thuốc lá trên da. Người ta cho rằng vì thuốc lá làm tổn thương mạch máu, làm chậm trễ vi tuần hoàn đến da gây suy tuần hoàn da.
Mặt khác, thuốc lá cũng có tác dụng kháng kích tố nữ, do đó khi hút nhiều thuốc lá, phụ nữ bị hiện tượng mãn kinh sớm hơn.
Thuốc lá còn gây tăng tạo các gốc tự do mà độc tính cho da đã được xác nhận.
Thuốc lá gây phá hủy sinh tố C.
Da đầu ngón tay và móng bị vàng và đốm nâu.
Thuốc lá gây tổn thương niêm mạc:
- Viêm họng do thuốc lá
            - Ảnh hưởng nhiều đến niêm mạc thanh quản, thực quản, hơi nóng và chất than kích thích lâu ngày sẽ tăng nguy cơ ung thư.
  * Một trong những bệnh tổn thương niêm mạc miệng liên quan đến thuốc lá thường được nhắc đến: Bạch sản (LEUKOPLAKIA- LEUCOPLASIE).
   Bạch sản được định nghĩa là một mảng trắng trên niêm mạc, không triệu chứng, không loét  và không chảy máu nhưng cũng không thể tẩy tróc được.
Đây là sang thương tiền ung, hay gặp ở người 50-70 tuổi, chủ yếu ở nam với tiền căn hút thuốc lá.
Hình ảnh lâm sàng: Mảng trắng có thể xuất hiện đồng nhất, dạng mụn cóc hoặc lốm đốm xen kẽ với hồng sản (erythroplasie). Khi nó đi kèm hồng sản thì bệnh nhân có tiên lượng xấu hơn.
Bề mặt sang thương có thể gồ, nứt, nhăn, dạng cóc hoặc phẳng, có thể có nhiều kích cỡ và có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào của khoang miệng, niêm mạc sinh dục và hậu môn nhưng đa phần ở niêm mạc miệng và sự tăng sừng ở vị trí này có thể là kết quả từ sự kích thích mạn tính như răng giả không thích hợp thuốc lá.
Tác động sinh ung của thuốc lá do liên quan đến chất nitrosamine trong lúc hút chứ không phải tự thân nicotine.
D.  Thuốc lá liên quan đến sự co mạch và gây thuyên tắc trên hệ thống mạch máu ngoại vi:
Từ đó nhiệt độ da giảm, loét chân và các dấu hiệu loét suy tĩnh mạch khác.
  * Bệnh BUERGER (Thromboangitis obliterans)
    Viêm tắc mạch  là một bệnh hiếm của những mạch máu nhỏ và vừa của bàn tay và bàn chân, hay gặp ở người hút thuốc lá, tuổi từ 18-50.
   Nguyên nhân sinh bệnh chưa rõ, nhưng dùng thuốc lá là điều phổ biến của những bệnh nhân này và việc cai thuốc lá được xem như một biện pháp phòng và điều trị bệnh.
Lâm sàng: Hiện tượng Raynaud, khập khiễng cách hồi, đau nhức chi hoại tử và nhiễm trùng đầu chi, viêm tĩnh mạch nông.
E.  Tác động của NICOTIN đối với một số bệnh da:
1.      Mụn trứng cá
   Mối liên hệ giữa thuốc lá và mụn thì vẫn còn bàn cãi do những kết quả trái ngược      nhau.
    * Mills và cộng sự tường trình 165 trường hợp bệnh nhân mụn: 19.7% nam và 12.1% nữ có hút thuốc, thấp hơn thống kê quốc gia một cách có ý nghĩa.
     * Schafer và cộng sự báo cáo trên 896 bệnh nhân thì 40.8% người hút thuốc có mụn, tương phản với 25.2% người không hút thuốc có mụn.
     * Jemec và cộng sự đã nhận xét 186 trường hợp tuổi từ 15-22 và thấy rằng việc hút thuốc kết hợp một cách vô nghĩa với bệnh mụn.
      * A.A.T. Chuh, V Zawar, W.C,W.Wong và A.Lee đã thực hiện hồi cứu từ 1.1998 đến 12..2002 tại Hồng Kông và Ấn Độ. Chẩn đoán mụn được thực hiện bởi những bác sĩ được học về da liễu hoặc các bác sĩ gia đình.
   Trong 1264 bệnh nhân có 632 bệnh nhân có mụn và 632 người chứng. Trong số 232 bệnh nhân có mụn tại Hồng Kông có 104 nam (tuổi trung bình 32.8 tuổi) và 128 nữ (tuổi trung bình là 31.3 tuổi). Trong số đó có 13 nam và 4 nữ hút thuốc. Ở nhóm nghiên cứu tại Ấn Độ, trong 400 bệnh nhân thì 275 là nam (tuổi trung bình 26 tuổi) và 125 nữ (tuổi trung bình 36 tuổi). Có 40 nam và 2 nữ sử dụng thuốc lá.
  Ở nghiên cứu trên, các tác giả nhận thấy thuốc lá có ảnh hưởng đối với mụn trên các bệnh nhân nam và họ còn đưa ra gợi ý quan trọng rằng việc cai thuốc lá làm giảm nguy cơ mụn. Những giải thích về sinh bệnh học trong mối quan hệ giữa mụn và thuốc lá đều chưa rõ ràng lắm.
   Mặt khác, stress cũng làm ảnh hưởng đến mụn mà đa phần các bệnh nhân nam sẽ hút thuốc nhiều thêm khi gặp stress.
   Cũng có ghi nhận rằng những bệnh có viêm của da như trứng cá đỏ và mụn nặng được gặp nhiều hơn ở người không hút thuốc.
2.      Nicotine làm chậm lành vết thương
  Do làm giảm lượng máu đến da, gây thiếu máu mô và làm chậm sự lành các mô bị chấn thương. Ngoài ra, còn do cơ chế nicotine làm ức chế sự di chuyển và biệt hóa của lớp sừng.
3.        Miếng dán chứa Nicotine có thể điều trị vẩy nến:
Vì nó có thể làm giảm sự biệt hóa của tế bào sừng  nhưng khái niệm này cần sự phê chuẩn qua các nghiên cứu lâm sàng.
4.      Bài thuốc dân tộc để điều trị chàm tại Bangladesh chứa lượng lớn nicotine.
5.      Một số bệnh khác:
Cũng được cải thiện phần nào bằng cách hút thuốc qua tác động trực tiếp của nicotine như pemphigus, aphte… cũng được ghi nhận qua một vài y văn.
V.     KẾT LUẬN
Thuốc lá có ảnh hưởng xấu trên da. Những tác hại của thuốc lá trên da dù không nghiêm trọng so với những cơ quan hô hấp tim mạch nhưng vẫn có và ngày càng được chứng minh nhiều hơn. Những lợi ích của nicotine trên một số bệnh da cần được nghiên cứu thêm vì xem ra tác hại của nicotine cho cơ thể nhiều và nguy hiểm hơn.
VI.  TÀI LIỆU THAM KHẢO
1)      A.A.T. Chuh, V.Zawar, W.C.W.Wong and A.Lee: The association of smaking and acne in men in HongKong and in India : aretrospective case- control study in primary care settings.
2)      Fitzpatrick.dermatology in general medicine 817,818,1811,2083,2084.
3)      J.H. Saurat. Dermatologies et maladies sexuellement transmissibles 1986,750,751.
4)      Just M, Ribera M, Monso E. Ferrandiz C. The relationship between the elastic tissue of the skin and pulmonary function in smoker and non smokers, Ann Dermatol Vernereol 2002, 129: 1S 400.
5)      Knuutinen A, salo T, Oikarinen A. Altered collagen metabolism in the skin of smokers. Ann Derrrmatol Venereol 2002; 129: 1S 401.
6)      Laurent Misery : Nicotine effects on the skin: Are they positive or negative?
Experimental Dermatology 2004 : 13: 665-670.
       7)  LiL, Mac Mary s, saint Hillier, De Lacharrire. Cutaneous microcirculation and aging. Ann Dermatol Venereol 2002; 129: 1S 112.
       8)  Production, physiology and biochemistry of tobacco plant. Institute of Institute of Iternatinonal Development and Education in Agricultural and Life sciences – USA 1990.
       9) Thông báo kết quả điều tra thành phần hóa học một số nhãn hiệu thuốc lá nhập ngoại và thuốc lá sản xuất trong nước. Viện nghiên cứu thuốc lá- Tổng công ty thuốc lá Việt Nam – 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét