Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong năm loại ung thư thường gặp tại Việt Nam. Triệu chứng bệnh thường mơ hồ nên bệnh nhân khi nhập viện thường ở trong giai đọan muộn.
1. Ung thư là gì?
Ung thư (UT) là tình trạng tế bào (TB) trong một bộ phận nào đó của cơ thể tăng trưởng và sinh sôi nảy nở một cách quá mức, lấn áp sự tăng trưởng của TB bình thường. TB bình thường sinh sản một cách có thứ tự và được qui định chương trình trước. TB UT thì không. Có nhiều loại UT nhưng chúng đều có chung một đặc điểm là tăng trưởng một cách bất thường ngoài vòng kiểm soát.
Đôi khi TB UT rời nơi khởi điểm, theo dòng máu hoặc mạch bạch huyết đến một vị trí khác của cơ thể và phát triển lên. Đó gọi là UT di căn.
Khi bệnh nhân có vẽ đã khỏi bệnh nhưng UT lại trở lại gọi là UT tái phát. Đây là tình huống rất thường gặp, nhất là khi bệnh nhân đến khám quá trễ.
2. Ung thư dạ dày là gì?
Dạ dày nằm sau miệng và thực quản, là phần quan trọng của ống tiêu hóa.
UTDD là một trong năm loại UT thường gặp tại Việt Nam. Triệu chứng bệnh thường mơ hồ nên bệnh nhân khi nhập viện thường ở trong giai đọan muộn. Vì thế, việc thông tin cho người dân về bệnh này là một nhu cầu thực tế và hết sức cần thiết.
3. Tình hình ung thư dạ dày tại Việt Nam
UTDD đứng hàng thứ nhì trong mười loại UT ở cả hai giới nam và nữ (tại Hà Nội) và đứng hàng thứ 3 (ở nam) và thứ 5 (ở nữ) tại TPHCM.
4. Những ai dễ mắc bệnh này?
Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra UTDD nhưng giới chuyên môn nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ khiến cho dễ mắc bệnh như:
a. Tuổi: tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh. Tuổi trung bình của bệnh nhân UTDD nước ngoài là 70, trong khi ở Việt Nam là 60.
b. Giới tính: nam giới bị UTDD nhiều hơn nữ giới.
c. Chủng tộc: người châu Á dễ bị UTDD hơn người châu Âu và châu Mỹ. Người Mỹ da đen dễ mắc bệnh hơn người da trắng.
d. Người dân có điều kiện sống thấp dễ bị UTDD.
e. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ nhưng liên quan với lượng thuốc hút không rõ.
f. Chụp X-quang hoặc mổ dạ dày trước đó dễ bị UT nhưng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân.
g. Cách ăn uống: các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thức ăn nướng, hun khói, tẩm gia vị nhiều dễ bị UTDD. Ngược lại, ăn nhiều trái cây và rau cải tươi lại có tác dụng ngăn ngừa bệnh này.
h. Nhiễm vi trùng Helicobacter pylori: đây là một loại vi trùng sống thường trú trong dạ dày. Nhiễm vi trùng này khiến người bệnh dễ bị loét và UTDD. Tuy nhiên tỉ lệ người nhiễm Helicobacter pylori chuyển sang UTDD không cao. Tuy có liên hệ đến vi trùng nhưng UTDD không có tính lây lan từ người sang người.
i. Có bệnh sẵn ở dạ dày:
- Mổ dạ dày từ trước.
- Viêm dạ dày mạn tính.
- Bệnh thiếu máu nặng.
j. Tiền sử gia đình: một số loại UT ở dạ dày có thể xuất hiện ở nhiều người trong gia đình.
5. Triệu chứng
Ở giai đoạn sớm, UTDD hầu như không có triệu chứng.
Khi bệnh đã tiến xa, các dấu hiệu thường thấy gồm:
- Khó chịu vùng thượng vị (chấn thủy).
- Cảm giác đầy bụng sau ăn.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Sụt cân nhanh.
Các dấu hiệu này không phải là triệu chứng đặc hiệu của UT. Các bệnh khác như loét dạ dày hay nhiễm trùng cũng có thể có dấu hiệu tương tự. Thường thì người bệnh không lưu ý đến những dấu hiệu này nên khi bệnh được phát hiện thì UT đã di căn xa.
Vì thế khi có các triệu chứng mơ hồ như trên kéo dài, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.
6. Xác định bệnh
Người bệnh sẽ được khám toàn diện và cho thực hiện các xét nghiệm và các thủ thuật cần thiết như chụp X-quang hoặc nội soi dạ dày kèm sinh thiết để xác định chính xác bệnh.
7.. Xác định giai đọan của ung thư
Để có kế hoạch điều trị tốt nhất, người bác sĩ cần biết độ lan rộng của UT như: UT lan đến đâu, chỉ lan qua cơ quan kế bên hay đã di căn xa. Nếu có, thì UT đã di căn đến phần nào trong cơ thể. Đó là định giai đoạn của UT. Đôi khi phải đợi đến sau khi mổ dạ dày rồi thì mới có thể xác định chính xác giai đoạn. 
UTDD được chia giai đoạn (stage) như sau:
- Giai đoạn (stage 0): bệnh còn ở giai đọan sớm.
- Giai đoạn I, II, III.
- Giai đoạn IV: bệnh đã tiến xa và bệnh nhân đến điều trị trễ. Đây là giai đoạn có tiên lượng xấu nhất.
UTDD có thể lan qua gan, tụy, hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Để xác định giai đoạn của UT, cần thiết phải làm các xét nghiệm sau:
a. Thử máu: xem có thiếu máu không, tình trạng gan hoạt động có tốt không.
b. Chụp X-quang phổi: để đánh giá tình trạng 2 phổi và xem UT có di căn lên phổi hay không.
c. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT scan): để phát hiện xem có phần UT di căn qua gan, tụy và các nơi khác không. Tiêm (chích) chất cản quang khi làm kĩ thuật này sẽ giúp dễ phát hiện UT hơn.
d. Chụp Cộng hưởng từ (MRI) (Magnetic Resonance Imaging) không thực sự cần thiết trong trường hợp bệnh này.
e. PET (Positron Emission Tomography Scan): tiêm vào tĩnh mạch người bệnh một lượng nhỏ chất đường pha với chất phóng xạ, sau đó, nhờ máy chụp, quét toàn bộ cơ thể bệnh nhân để theo dõi chất đường. TB UT bắt đường nhiều nên khi máy quét phát hiện đường ở đâu là có ổ UT tại đó.
f. Siêu âm qua nội soi dạ dày: để biết rõ hơn về tình hình UT tại dạ dày cũng như tại cơ quan khác.
g. Nội soi ổ bụng: sau khi rạch 1 lỗ nhỏ trên da của người bệnh, người thầy thuốc đưa một ống nội soi nhỏ vào bên trong để quan sát ổ bụng và có thể sinh thiết một mẩu mô UT hoặc hạch bạch huyết (nếu cần).
8. Diễn tiến tự nhiên của bệnh
Nếu không điều trị, UTDD sẽ gây ra các biến chứng như nghẹt dạ dày, thủng khối u, chảy máu khối u, …
9. Điều trị
Chọn phương pháp điều trị tùy vào kích thước và vị trí của UT, tùy vào giai đoạn tiến triển của khối u vàtình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Có nhiều cách điều trị như: phẫu thuật (mổ), hóa trị (dùng thuốc) hoặc xạ trị (chiếu tia xạ) hoặc phối hợp các phương pháp này lại với nhau gọi là điều trị đa mô thức.
Điều trị còn chia ra điều trị tại chỗ hoặc điều trị toàn thân:
- Điều trị tại chỗ: phẫu thuật và xạ trị là phương pháp điều trị có tác dụng tại chỗ. Tác dụng của 2 phương pháp này là tiêu diệt TB UT tại dạ dày hoặc gần dạ dày. Nếu UT đã lan qua cơ quan kế bên dạ dày thì chúng ta sẽ điều trị tại chỗ dành cho các cơ quan này.
- Điều trị toàn thân: hóa trị (dùng thuốc) là phương pháp điều trị có tác dụng toàn thân. Thuốc khi vào máu sẽ có tác dụng khắp cơ thể. Vì vậy, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ làm hại TB bình thường của bệnh nhân. Tác dụng không mong muốn trên các TB bình thường nhiều hay ít tùy vào loại thuốc được dùng để điều trị và tùy tình trạng của từng bệnh nhân.
Trong khi điều trị, thầy thuốc cần lưu ý điều trị hỗ trợ thích hợp cho các tác dụng phụ hoặc tình trạng đau nhức do UT.
• Phẫu thuật (mổ):
Phẫu thuật là cách điều trị chính cho UTDD. Có 2 loại phẫu thuật:
a. Cắt bán phần (một nửa) dạ dày: Phần dạ dày có khối u sẽ được cắt bỏ, tuy nhiên, có thể cắt thêm một phần thực quản hoặc ruột non, hạch bạch huyết và một số cơ quan khác.
b. Cắt toàn bộ dạ dày:
Toàn bộ dạ dày có khối u sẽ được phẫu thuật, có thể cắt thêm lách hoặc cơ quan khác rồi tạo một dạ dày giả bằng ruột.
Cần lưu ý cách ăn uống sau mổ vì vài ngày đầu bệnh nhân rất mệt và có ống thông dạ dày giúp đường khâu-nối mau lành. Bệnh nhân cũng đau nhiều nên cần dùng thuốc giảm đau.
Sau mổ bệnh nhân có thể cảm thấy yếu sức một thời gian và có thể bị tiêu chảy hoặc bón. Các triệu  chứng này có thể kiểm soát bằng cách thay đổi khẩu phần và dùng thuốc. Thầy thuốc cũng cần lưu ý vấn đề chảy máu, nhiễm trùng để xử trí thích đáng.
c. Nối vị tràng: Khi UT lan rộng không còn cắt bỏ được và dạ dày bị nghẹt, phẫu thuật viên sẽ nối dạ dày-ruột non để thức ăn lưu thông được từ trên xuống như bình thường. Tuy nhiên đây chỉ là phẫu thuật mang tính tạm bợ và tiên lượng rất xấu.
• Hóa trị:
Hóa trị là dùng thuốc để tiêu diệt TB UT. Thuốc sẽ vào máu và ảnh hưởng đến toàn bộ TB UT trong cơ thể người bệnh. Hầu hết bệnh nhân được hóa trị sau mổ. Tuy nhiên, hóa trị cũng có thể dùng kết hợp với xạ trị.
Thuốc điều trị UT thường được tiêm truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống. Tùy tình trạng cụ thể mà bệnh nhân có thể được hóa trị tại nhà hoặc tại bệnh viện. Tác dụng phụ của thuốc tùy theo loại thuốc và liều dùng. Các tác dụng không mong muốn thường thấy:
Tác dụng trên TB máu: thuốc điều trị UT có hại TB máu bình thường nên bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, chảy máu và mệt mỏi.
Tác dụng trên tóc: thuốc điều trị UT làm rụng tóc. Khi mọc lại, tóc có thể bị thay đổi như đổi màu.
Tác dụng trên hệ tiêu hóa: thuốc điều trị UT gây buồn nôn, ói mửa, chán ăn, tiêu chảy và loét miệng-lưỡi.
Ngoài ra, thuốc điều trị UT có thể gây nổi mẩn trên da.
• Xạ trị:
Là dùng tia X năng lượng cao để tiêu diệt TB UT. Trên nguyên tắc, tia X chỉ diệt TB tại chỗ. Tia X được phát từ máy chuyên dùng bên ngoài cơ thể. Bệnh nhân phải nhập viện để chạy tia, thông thường là 5 ngày trong tuần và chạy tia trong nhiều tuần lễ.
Tác dụng phụ của phương pháp này tùy thuộc vào liều lượng tia và khu vực tia rọi vào. Tia có thể gây rối loạn tiêu hóa và đau bụng. Bệnh nhân có thể buồn nôn và tiêu chảy. Da vùng chạy tia có thể khô, đỏ và đau. Sau khi chạy tia bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, nhất là vào các tuần cuối. Nằm nghỉ là cần thiết nhưng bệnh nhân cũng phải nên tập vận động. Tuy tác dụng phụ của tia gây khó chịu nhưng bác sĩ có thể kiểm soátt được và sau khi ngưng trị liệu thì bệnh nhân sẽ hết hẳn những triệu chứng khó chịu này.
10. Sau khi điều trị
Trong và sau khi điều trị UTDD bệnh nhân cần ăn uống hợp ly, đảm bảo về năng lượng cũng như  dinh dưỡng (đầy đủ sinh tố, đạm, khoáng...). Chán ăn là vấn đề lớn đối với bệnh nhân UT. Đôi khi phải nuôi ăn cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch hoặc qua đường ruột.
• Dinh dưỡng sau phẫu thuật dạ dày:
Sau mổ dạ dày bệnh nhân thường sụt cân nên đôi khi cần chuyên viên dinh dưỡng thay đổi khẩu phần cho thích hợp.
Một hậu chứng khác là hội chứng dumping. Hội chứng này xảy ra khi thức ăn hay thức ăn lỏng vào ruột non quá nhanh. Bệnh nhân thấy đau bụng quặn cơn, buồn nôn, chướng bụng, tiêu chảy và chóng mặt.
An làm nhiều bữa ăn nhỏ có thể tránh được hội chứng khó chịu này.
Có khi phải kiêng cử thức ăn ngọt như nước có gaz, kẹo, nước trái cây…
Bệnh nhân cũng cần chất khoáng như calcium và vitamin như vitamin B12.
• Theo dõi sau điều trị UTDD:
Việc theo dõi rất quan trọng vì UT có thể tái phát âm thầm mà không gây triệu chứng gì bất thường. Định kỳ theo hẹn hoặc khi thấy cơ thể mình khác lạ thì bệnh nhân nên đến gặp thầy thuốc để được kiểm tra lại và chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Các xét nghiệm cần thiết để tầm soát UT tái phát gồm có: xét nghiệm sinh hóa, X quang, nội soi dạ dày, CT scan ổ bụng và dùng các chất chỉ điểm UT.
11. Phòng ngừa ung thư dạ dày
Phòng ngừa chủ yếu dựa vào cách ăn uống và khẩu phần. Nên ăn khẩu phần có đạm cân bằng với đường (12% từ đạm). Tránh thức ăn nhiều muối, nhiều gia vị hoặc có nhiều chất hóa học như nitrate (Ngành nông nghiệp có thể góp phần phòng ngừa nếu cung cấp cho xã hội rau cải ít nitrate). Nên ăn rau cải tươi, chanh, và các chất chứa nhiều vitamin C khác sẽ giúp tránh UTDD và nhiều loại UT khác. 
Do Nhật Bản có nhiều người mắc bệnh UTDD nên việc tầm soát được chính phủ Nhật đẩy mạnh bằng cách chụp X quang và nội soi dạ dày tầm soát UT rất hiệu quả. Với UT giai đọan sớm, tỉ lệ sống 5 năm lên đến 96% và tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm kể từ khi phát hiện UT là 63% ở bệnh nhân được tầm soát. Các đối tượng ưu tiên được tầm soát là: nam giới, tuổi trên 60, điều kiện sống thấp, bệnh thiếu máu nặng, có mổ dạ dày trước đây, có chiếu tia xạ liều cao vùng thượng vị, trong gia đình có người bị UTDD...
12. Tóm tắt
UTDD là bệnh thường gặp tại Việt Nam. Nếu điều trị trễ tiên lượng rất xấu. Triệu chứng cũng mờ nhạt vì thế chúng ta cần lưu ý khi đau bụng trên kéo dài, chán ăn, sụt cân.
Nội soi dạ dày kèm sinh thiết và chụp X quang dạ dày là các phương tiện xác định bệnh rõ ràng.
Phẫu thuật cắt bỏ phần dạ dày có u là điều trị chính. Hóa trị và xạ trị có vai trò hỗ trợ.
Về phòng ngừa nên ăn rau cải tươi. An nhiều thức ăn chức vitamin C. Tránh các thức ăn nhiều muối, nhiều gia vị. Tránh hút thuốc lá. Ở đối tượng nhiều nguy cơ nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại các trung tâm chuyên môn.
                                                                                                     
PGS.TS. Lê Quang Nghĩa
(Theo medinet.hochiminhcity)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét